Chủ Nhật, 19/05/2019, 22:51 [GMT+7]

Nhớ về vị Tổng biên tập đầu tiên của Báo Công an Nghệ An

Lời Tòa soạn: Đồng chí Thiếu tướng Lê Văn Khiêu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Quỳnh Sơn (nay tách ra làm 3 xã là Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch, Quỳnh Hoa), huyện Quỳnh Lưu. Năm 1953, ông được tuyển chọn vào ngành Công an và sau này trở thành người lãnh đạo cao nhất của lực lượng Công an Nghệ Tĩnh. Ông được biết đến là người chỉ huy xuất sắc, mẫu mực, vị tướng giàu lòng nhân ái. Ông cũng chính là người có công sáng lập ra tờ báo An ninh Nghệ Tĩnh (nay là Báo Công an Nghệ An) và là Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo.

Với vai trò của người đứng đầu Công an Nghệ Tĩnh, sau này tách tỉnh và làm Giám đốc Công an Nghệ An, ông luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước ở giai đoạn khó khăn, phức tạp nhất về kinh tế, chính trị. Ông là một trong số ít những Giám đốc Công an tỉnh, thành phố được phong cấp hàm tướng thời điểm đó và là vị tướng đầu tiên của Công an Nghệ Tĩnh. Ông cũng là người lãnh đạo có ảnh hưởng sâu sắc và để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng đội và các thế hệ đi sau.

Để ghi nhận những cống hiến to lớn của Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, ngày 5/12/2017, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2528/QĐ-CTN về việc truy tặng ông Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất "vì đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc".

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu đến bạn đọc về những kỷ niệm của Thiếu tướng Lê Văn Khiêu đối với sự ra đời của Báo Công an Nghệ An trong những ngày đầu khó khăn, gian khổ nhưng rất đáng tự hào…

(Congannghean.vn)-35 năm đã qua, khi nhắc đến sự phát triển của Báo An ninh Nghệ Tĩnh (nay là Báo Công an Nghệ An), CBCS trong lực lượng Công an tỉnh nhà và những ai quan tâm không thể không nhắc đến vị Tổng biên tập đầu tiên - Giám đốc Công an tỉnh, Thiếu tướng Lê Văn Khiêu. Trong biên niên sự kiện cũng như lịch sử Công an Nghệ An đều khẳng định điều đó. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề ai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh làm Tổng biên tập thì chắc chắn nhiều người không biết.

Ngày 19/5/1984, tờ An ninh Nghệ Tĩnh phát hành số đầu tiên, không chỉ đánh dấu bước ngoặt lớn trong lĩnh vực tuyên truyền về ANTT ở địa phương mà nó còn tạo dư âm lớn giữa thủ đô Hà Nội, rồi nhanh chóng lan tỏa trong lực lượng CAND toàn quốc. Báo An ninh Nghệ Tĩnh ra số đầu, in tại Nhà in Báo Hà Nội Mới - nơi sử dụng máy in ốp-sét hiện đại nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Với những ai hiểu biết về ngành in, đây được coi là bước tiến vượt bậc về chất lượng in so với sản phẩm in ti-pô cùng thời.

Báo phát hành mỗi tháng một kỳ theo giấy phép xuất bản nhất thời do Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh ngày ấy cấp. Giấy phép nhất thời chỉ để đảm bảo tính pháp lý cho việc phát hành tờ báo nhưng không đủ điều kiện để các ngành chức năng của Chính phủ cân đối cấp giấy in báo. Ban đầu nhờ sự giúp đỡ của Nhà in Báo Hà Nội Mới, Công ty Vật tư TTXVN, Xưởng in Báo CAND hỗ trợ giấy in nhưng sau đó cạn dần vì đơn vị bạn cũng không thể cân đối được. Chúng tôi - những người vừa viết báo, vừa tổ chức thực hiện nội dung định kỳ, vừa phải vất vả tìm nguồn giấy in cho từng số.

Nhớ lần, vào cuối giờ làm việc buổi chiều, Giám đốc Lê Văn Khiêu vào phòng làm việc của anh Cao Đăng Nghĩa, Trưởng phòng Công tác chính trị rồi cho gọi thêm nhà báo Dương Thanh Tùng (Thư ký tòa soạn) và tôi đến để động viên, nhắc nhở những khiếm khuyết trong từng số báo vừa qua. Lần ấy, anh Cao Đăng Nghĩa phân trần việc khó khăn nhất của báo hiện nay là giấy in. Nghe lời trình bày đó, Giám đốc đặt câu hỏi về biện pháp tối ưu cho việc có giấy in là gì? Hỏi rồi cụ tự trả lời là ta phải phấn đấu để lấy giấy phép xuất bản của Nhà nước thông qua Bộ Văn hóa - Thông tin; chứ nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì không những báo không phát hành được mà còn vi phạm pháp luật đấy. Vi phạm ở đây ý cụ muốn nói là lâu nay ta đang sử dụng giấy in "ngoài luồng".

Sau lần gặp gỡ ấy không lâu, khi chúng tôi đang in báo và nghỉ tại Nhà khách 23 Nguyễn Thượng Hiền, thì cũng là lúc đồng chí Giám đốc có chuyến công tác ở Hà Nội và cùng nghỉ tại đó. Lần này cụ gọi anh Cao Đăng Nghĩa đến phòng khách và thông báo: Sáng mai đúng 8 giờ, anh em mình đến Ban Tuyên huấn Trung ương để làm việc với Trưởng ban về giấy phép phát hành báo. Nhớ gọi hai cậu (Thanh Tùng và Ngọc Tuần) cùng đi và phải đúng giờ vì đã đăng ký. Tiếp nhận thông tin, đêm ấy ba anh em chúng tôi không sao ngủ được, cứ đoán già đoán non về công việc của ngày mai. Tôi còn lo khi gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương - ông Đào Duy Tùng, phải xưng hô thế nào cho hợp lý? rồi liệu cán bộ Ban có cho anh em mình được gặp trực tiếp Trưởng ban hay không... Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau, sự lo lắng đó nhanh chóng qua đi khi thầy trò chúng tôi đến Văn phòng Ban thì Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Đào Duy Tùng đã có mặt.

Trong câu chuyện bước đầu, ông chúc mừng Giám đốc Công an Nghệ Tĩnh có tờ báo mới, tức là có thêm sức mạnh tuyên truyền về ANTT trong nhân dân. Theo đó, Trưởng ban Tuyên huấn cho biết, hàng tháng, ông đều nhận được báo biếu và số nào cũng đọc hết. Chất lượng như vậy là rất tốt. Lâu nay không phải Ban Tuyên huấn không quan tâm đến tờ báo mà còn chờ thời gian thử thách rồi mới chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép. Nhận thấy sự cởi mở của Trưởng ban, Giám đốc Công an tỉnh báo cáo về hoạt động của tờ báo và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như Lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Bất chợt, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên huấn hỏi:

- Vậy tờ báo của anh hiện nay ai làm chủ nhiệm?

- Thưa Trưởng ban, chưa có chủ nhiệm mà chịu trách nhiệm xuất bản là Phòng Công tác chính trị. Anh Cao Đăng Nghĩa đây là Trưởng phòng, chịu trách nhiệm trước Giám đốc về hoạt động của báo.

- Không được. Anh là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, phải là Chủ nhiệm tờ báo. À mà là Tổng biên tập Báo An ninh Nghệ Tĩnh nhé!

Nói xong, Trưởng ban cười và chúng tôi cùng cười trong niềm hân hoan khó tả.

Sau này, khi về cơ quan, Giám đốc Lê Văn Khiêu báo cáo trước Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công tỉnh và nhận trách nhiệm làm Tổng biên tập tờ An ninh Nghệ Tĩnh, đồng thời phân công Phó Giám đốc Đậu Khắc Tưởng và anh Cao Đăng Nghĩa, Trưởng phòng Công tác chính trị cùng làm Phó Tổng biên tập. Ngày 19/8/1985, Báo An ninh Nghệ Tĩnh chính thức có giấy phép xuất bản của Bộ Văn hóa - Thông tin. Trong giấy phép ghi: Tổng biên tập - ông Lê Văn Khiêu.

5 năm sau kể từ khi Báo An ninh Nghệ Tĩnh phát hành số đầu (19/5/1984 đến tháng 4/1989), Báo tách khỏi Phòng Công tác chính trị để trở thành đơn vị trực thuộc Giám đốc Công an tỉnh. Và, cũng từ đây, Trưởng phòng Công tác chính trị, Phó Tổng biên tập Cao Đăng Nghĩa nhậm chức mới - Tổng biên tập Báo Công an Nghệ Tĩnh rồi Tổng biên tập Báo Công an Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1998.

Kỷ niệm về người đứng đầu tờ báo trong những ngày gian khó ấy còn nhiều nhưng phạm vi bài viết này chỉ để cắt nghĩa và giúp bạn đọc hiểu thêm về người Tổng biên tập luôn đau đáu với tờ báo và nặng lòng với chiến sỹ - Thiếu tướng Lê Văn Khiêu.

.

Ngọc Tuần

.