Văn hóa - Giáo dục

'Đài phát thanh' thu nhỏ trong ngôi trường THPT dân tộc nội trú tỉnh

09:31, 06/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chương trình phát thanh không chỉ quảng bá hình ảnh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh (THPT DTNT) đa sắc màu, năng động, giúp truyền đạt tâm tư, nguyện vọng mà còn tạo ra một môi trường làm việc nhóm hiệu quả; là diễn đàn chung kích thích khả năng sáng tạo, tăng sự tự tin, đoàn kết trong trường. Đặc biệt, chương trình là cầu nối hữu ích giữa chính học sinh với nhau, học sinh với thầy, cô giáo, lãnh đạo nhà trường. Tính đến nay, “đài phát thanh” Trường THPT DTNT tỉnh đã hoạt động được gần 25 năm và trở thành một truyền thống của nhà trường được các thế hệ học trò yêu mến.

Chương trình phát thanh vào thứ 6 hàng tuần của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh do chính các em học sinh thực hiện (dưới sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo)
Chương trình phát thanh vào thứ 6 hàng tuần của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh do chính các em học sinh thực hiện (dưới sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo)

Trường THPT DTNT tỉnh là “ngôi nhà chung” của hàng trăm học sinh đến từ các huyện miền núi với nhiều dân tộc Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ đu… Mỗi em tuy hoàn cảnh gia đình, phong tục, tập quán khác nhau song đều xuất phát từ cuộc sống vùng miền núi rẻo cao còn nhiều khó khăn, mặt bằng kiến thức còn hạn chế. Khi xuống thành phố tiếp tục học cái chữ, đa số các em đều bỡ ngỡ nên nhiều em sống thu mình, ngại tiếp xúc với người khác… Chính chương trình phát thanh đã kéo các em xích lại gần nhau, cởi mở hơn, vui vẻ hơn khi hòa vào nhịp sống chung của trường.

“Kính chào quý thầy cô, các bạn học sinh thân mến. Đây là buổi phát thanh tối ngày…”, tiếng chào quen thuộc của các bạn học sinh kiêm phát thanh viên của “đài phát thanh” Trường THPT DTNT tỉnh lại vang lên. Nhanh chóng sắp xếp lại sách vở của giờ học tối, các bạn học sinh chăm chú lắng nghe chương trình để cập nhật thông tin và thư giãn, giải trí sau giờ học căng thẳng. 20 giờ 30 phút mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, sau hồi trống báo hiệu giờ giải lao, đông đảo học sinh Trường THPT DTNT tỉnh lại háo hức, mong chờ chương trình phát thanh.

Trong vòng 30 phút, 6 chuyên mục với nhiều thông tin thời sự quan trọng, nội dung đa dạng, phong phú và hấp dẫn, mỗi chuyên mục là những nét riêng biệt, được các phát thanh viên truyền tải qua giọng đọc truyền cảm. Tùy theo các sự kiện, nội dung các buổi phát thanh sẽ được các thành viên chuẩn bị bám sát với các chủ đề, các ngày lễ liên quan. Chuyên mục “Tin tức” đem đến những thông tin trong trường, trong tỉnh, trong nước và thế giới; các thông tin về công tác giáo dục, chỉ đạo của trường; tâm tư, nguyện vọng của học sinh tới Ban giám hiệu nhà trường… hay chuyên mục “Ống kính ký túc xá” lại xoay quanh những câu chuyện về sinh hoạt, dọn dẹp vệ sinh ngăn nắp, sạch sẽ… của các bạn trong ký túc xá.

Những phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số, những đổi thay của các bản làng được giới thiệu qua chuyên mục “Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc”. Đến với “Bí mật tuổi teen” hay chuyên mục “Cảm xúc”, các bạn sẽ được nghe những “câu chuyện to, nhỏ” về những rung động đầu đời, cảm xúc của lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò…”.  Hay những lời tâm sự, lời “thương thầm, nhớ trộm” của các cô cậu học trò dành cho nhau; những lời quý mến của các thầy, cô giáo, của các em học sinh… trong chuyên mục “Gửi lời yêu thương”. Chuyển tiếp giữa các chuyên mục là những lời ca, tiếng hát về lứa tuổi học trò vô tư, hồn nhiên, về thầy cô, trường lớp, quê hương… do chính các em học sinh thể hiện. 

Đặc biệt, chương trình được thực hiện bởi chính các bạn học sinh Trường THPT DTNT tỉnh (có sự hỗ trợ từ giáo viên trong trường) và phát thanh trực tiếp chứ không qua thiết bị thu phát. Mỗi chương trình phát thanh do 2 lớp cùng hợp tác thực hiện. Trong đó, mỗi lớp sẽ phụ trách 3 chuyên mục (khoảng 15 phút). Để chuẩn bị chu đáo cho chương trình tranh thủ vào các buổi nghỉ học, phân công thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất phụ trách họp bàn về kịch bản và dàn dựng, biên tập nội dung và hình thức chương trình. Sau đó, bạn nào có năng khiếu viết lách sẽ được phân công phụ trách viết nội dung, còn những bạn khác sẽ đảm nhận “phóng viên” thu thập thông tin. Nhóm thứ hai sẽ chọn những bạn có giọng đọc khỏe, phát âm chuẩn và truyền cảm để luyện phát thanh. Niềm vui lớn nhất của những người làm chương trình là các thông tin được tiếp nhận, phản hồi nhanh chóng. Học sinh vừa là thính giả, vừa hăng hái tham gia gửi bài, bình luận và góp ý cho chương trình.

Cô Hồ Ngọc Việt Nga, Bí thư Đoàn Trường THPT DTNT tỉnh chia sẻ: Hơn 25 năm qua, trải qua các thế hệ, nhà trường vẫn duy trì đều đặn chương trình phát thanh - kênh thông tin, cầu nối hiệu quả giữa các bạn học sinh với nhau, giữa học sinh với nhà trường và xã hội. Trong bối cảnh nhiều vấn đề học đường nổi lên như bạo lực, xâm hại tình dục…, các thầy, cô giáo sẽ quan tâm, định hướng phát triển hơn nữa nội dung chương trình phát thanh để phát huy vai trò, hiệu quả cầu nối giữa các mối quan hệ trong trường học.

Thu Thủy

Các tin khác