(Congannghean.vn)-Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã qua đi 40 năm (17/2/1979 - 17/2/2019) nhưng ký ức hào hùng của một thời hoa lửa của thế hệ cha anh vẫn còn vẹn nguyên. Những người lính xứ Nghệ trở về từ chiến trường, những ngày tháng 2 lịch sử đến, họ lại thêm một lần xúc động, nhớ về.
Bộ đội chủ lực Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 - Ảnh tư liệu |
Theo bản tin được báo Quân đội nhân dân phát đi 40 năm về trước, Chiến tranh biên giới phía Bắc được Trung Quốc “châm ngòi” vào thời điểm: “4 giờ 17 phút ngày 17/2/1979, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc dội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt…”. Trước đó, theo các tài liệu lịch sử, quan hệ Việt - Trung bắt đầu rạn nứt năm 1968, đặc biệt từ sau thời điểm năm 1972 khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận hợp tác quan hệ với nhau.
Tháng 1/1979, Quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam. Đến rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa khoảng 600.000 quân (gồm 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn) tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới của Việt Nam từ Lai Châu đến Quảng Ninh trong bối cảnh phần lớn bộ đội chủ lực của Việt Nam vẫn đang ở biên giới phía Nam, giúp nhân dân Campuchia chống lại Khmer Đỏ. Để chống lại đội quân hùng hậu nói trên, tổng lực lượng phòng thủ biên giới lúc này chỉ có 7 sư đoàn, 1 lữ đoàn và dân quân 6 tỉnh, tổng cộng chưa đến 60.000 người.
Tuy nhiên, tham vọng làm chủ các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam "trong vài ba ngày" của Trung Quốc đã bị dội một gáo nước lạnh khi gặp phải sự kháng cự dũng cảm của quân và dân ta. 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều đánh bại “chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại” của quân Trung Quốc, chặn đứng âm mưu “thế gọng kìm” của địch. Cụ thể, khi nổ súng phát động chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc chia quân làm 2 mũi, đánh vào mạn Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn và Lai Châu, mũi còn lại từ hướng Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Nhưng ý đồ này đã bị chặn đứng ngay tại đèo Khau Chỉa (Cao Bằng) khi suốt 12 ngày đêm không vượt qua được “tử huyệt” này.
Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm “giữ vững biên cương của Tổ quốc”. Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc, Hà Nội khi đó đã tuyên bố "Công cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của bọn phản động Trung Quốc bắt đầu". Tuy nhiên, cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và rút quân. Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân, nhưng phía bên kia chiến tuyến đã không hành động như tuyên bố, nên suốt gần 10 năm sau đó, biên giới phía Bắc vẫn thường xuyên xảy ra đụng độ quân sự.
Trong cuộc chiến này, Trung Quốc công bố con số thương vong sau cuộc chiến là 20 nghìn người. Trong khi theo số liệu thống kê của Việt Nam, con số này là hơn 62.500 người. Hơn một nửa xe quân sự, trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép bị bắn cháy, hơn 100 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy. Cuộc xâm chiếm của Trung Quốc cũng gây ra những tổn thất nặng nề cho Việt Nam, TX Cao Bằng và Lạng Sơn bị phá hủy hoàn toàn, hàng triệu người dân các tỉnh biên giới phía Bắc mất nhà cửa, tài sản và hàng chục nghìn người, trong đó có cả người già và trẻ nhỏ thiệt mạng.
Ký ức những người lính đi giữ biên cương
Cựu chiến binh Tô Lan (bên trái) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa |
40 năm đã trôi qua kể từ ngày Chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, những người lính trở về từ chiến trường vẫn không quên những tháng ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt và anh dũng đó của dân tộc. Đặc biệt, đóng góp công sức và cả một phần xương máu của cơ thể, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến đấu năm nào, đã có rất nhiều người lính trên quê hương Bác Hồ trực tiếp bồng súng, đánh đuổi kẻ thù để bảo vệ nhân dân các tỉnh phía Bắc, trấn giữ từng mái nhà, góc phố.
Cựu chiến binh Tô Lan trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, trong cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc, ông tham gia với vai trò là Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 751, Sư đoàn 347, Quân đoàn 14 có nhiệm vụ tổ chức trận địa đánh địch tại đèo Bông Lau (Lạng Sơn). Theo ông Lan, Quân đoàn 14 ra đời theo quyết định của Bộ Chính trị vào khoảng thời gian một tuần sau khi Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Làm nhiệm vụ tại mặt trận Lạng Sơn, Quân đoàn đã cùng với quân, dân Lạng Sơn có nhiều trận đánh lớn như trận Đồng Đăng, trận đồi Chậu Cảnh, trận cầu Khánh Khê trên đường 1B…
Trong khi đó, trở về từ mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), 4 cựu binh Lê Ngọc Tụy, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Viết Bản và Nguyễn Văn Quế trú tại xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn đến nay vẫn không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại những thời khắc khốc liệt nhưng thiêng liêng, tự hào của quãng thời gian 40 năm về trước. Ông Lê Ngọc Tụy kể, khi vừa nhập ngũ, huấn luyện xong thì nổ ra chiến tranh biên giới nên ông cùng các đồng đội thuộc Sư đoàn 316B (Quân khu 4), nhận lệnh hành quân ra Bắc với tâm thế háo hức, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Theo ông Tụy, những cảnh xơ xác, tiêu điều và cả thương vong trên đường hành quân đã khơi dậy lòng yêu nước, sự căm thù và là động lực thúc đẩy những người lính trẻ như ông hừng hực khí thế chiến đấu. Chính vì vậy, dù bên kia chiến tuyến mạnh hơn rất nhiều lần về cả con người lẫn vũ khí hiện đại, nhưng những người lính đã cùng với quân dân địa phương kiên trì bám sát trận địa, đẩy lùi từng đợt tiến công của địch, giữ vững từng tấc đất biên cương.
Bên cạnh đó, có một mặt trận khác khốc liệt còn hơn cả Vị Xuyên, đó là phía Lạng Sơn. Sự khốc liệt ấy được minh chứng bằng việc may mắn sống sót trở về, nhưng cựu binh La Thái Bình, người con của tộc người Đan Lai hiện trú tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông đã để lại chiến trường 1 cánh tay trái. Nhớ lại những năm tháng ấy, ông Bình xa xăm, Chiến tranh biên giới phía Bắc là những tháng ngày đau thương nhưng bi hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông cũng như các đồng đội, đồng chí. Đau thương, mất mát không kể xiết, nhưng lúc bấy giờ không ai bảo ai, sẵn sàng hy sinh vì tấc đất quê hương. Trong cuộc chiến ấy, đơn vị của ông Bình cùng với nhiều đơn vị chủ lực khác đã góp phần cùng với quân và dân Lạng Sơn loại khỏi vòng chiến đấu 19.000 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn và 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp, 52 xe quân sự.
Cũng trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc, cựu chiến binh Bùi Công Dung trú tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn lúc bấy giờ với vai trò là lính đặc công thuộc Trung đoàn 779, hoạt động chủ yếu ở địa bàn Quảng Ninh. Thời hoa lửa, đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh biên giới, ông Dung cùng đồng đội đã không ít lần luồn sâu vào lòng địch để phục kích, đối mặt với quân địch có quân số đông hơn hàng chục lần. Ngoài ra, Trung đoàn 779 còn được giao nhiệm vụ làm công tác dân vận, giúp bà con người dân tộc Dao ở vùng biên giới lúc ấy bị kẻ thù lôi kéo, thậm chí trang bị vũ khí để đánh lại bộ đội ta, biết lẽ phải, không nghe theo lời dụ dỗ của địch. Những phần việc này, bản thân ông Dung nói riêng và những người con ưu tú của Trung đoàn 779 đã thực hiện rất tốt, tạo nên một trong những sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù trong thế không cân tài, ngang sức.
Chiến tranh đã lùi xa, chiến trường của 40 năm trước giờ đây đã là những cánh đồng trù phú, những phố dài sầm uất, biên giới Việt - Trung đã trở thành nơi giao thương kinh tế giữa 2 đất nước, người dân sinh sống 2 bên đường biên giới từ bao năm nay cũng đã thấm đẫm tình hữu hảo. Dù vậy, ký ức của những người lính một thời tham gia đấu tranh giành giữ từng tấc đất nơi biên cương thì không hề phai mờ. Đồng nghĩa với việc những người dân Việt ở dọc biên giới phía Bắc nói riêng và người Việt Nam nói chung, dù rất trân trọng ngày hôm nay nhưng chẳng ai có thể quên đi ngày hôm qua. Còn với những người lính trở về sau cuộc chiến, Chiến tranh biên giới phía Bắc đã trở thành một phần cuộc sống, một phần của ký ức lịch sử. Để rồi, mỗi khi nhớ về, ký ức hoa lửa đó là động lực mạnh mẽ để giúp họ mạnh mẽ hơn và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác cũng như cuộc sống thường ngày.
.