Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201902/chuyen-ve-nguoi-thay-giao-duoc-bac-ho-tang-ao-840736/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201902/chuyen-ve-nguoi-thay-giao-duoc-bac-ho-tang-ao-840736/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện về người thầy giáo được Bác Hồ tặng áo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 25/02/2019, 09:31 [GMT+7]

Chuyện về người thầy giáo được Bác Hồ tặng áo

(Congannghean.vn)-Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng thầy giáo Tô Sỹ Giơu vẫn còn minh mẫn lắm, nhất là mỗi lần thầy chia sẻ với mọi người về những năm tháng đi “gieo chữ” ở vùng đất khó và kỷ niệm mà thầy được gặp Bác Hồ, được Người tặng áo.

Thầy giáo Tô Sỹ Giơu, người được Bác Hồ tặng áo
Thầy giáo Tô Sỹ Giơu, người được Bác Hồ tặng áo

Một ngày đầu xuân năm mới, theo gia đình về quê ở xã Minh Thành, huyện Yên Thành thăm một người họ hàng, chúng tôi có dịp được gặp thầy giáo Tô Sỹ Giơu. Ngôi nhà của thầy nằm dưới đồi thông, trước là cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Thầy Giơu năm nay vừa tròn 102 tuổi nhưng thầy vẫn còn minh mẫn lắm. Nhắc đến những năm tháng đi “gieo chữ” ở vùng đất khó, ký ức lại ùa về trong thầy.

Thầy Giơu kể, gia đình thầy có truyền thống hiếu học. Xưa, bố là một ông đồ yêu nước. Thấy con ham học, bố mẹ gửi thầy xuống TP Vinh cho học chữ quốc ngữ, học tiếng Pháp. Về địa phương, nhờ có chữ nghĩa, thầy được tổ chức phân công công tác trong ngành Giáo dục ở huyện Yên Thành. Từ năm 1945 - 1957, thầy là Hiệu trưởng Trường cấp 1 Minh Thành. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, mở chiến dịch xóa nạn mù chữ, thầy Giơu là người đi đầu trong công tác xóa mù chữ, diệt giặc dốt, nâng cao dân trí.

Năm 1958, thầy vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động tặng Bằng khen Chiến sỹ thi đua ngành Giáo dục. Niềm vui được nhân lên, cũng trong năm này, thầy là đại diện duy nhất của ngành Giáo dục Nghệ An được ra Hà Nội tham dự Đại hội liên hoan anh hùng chiến sỹ thi đua công - nông - binh toàn quốc lần thứ 2. Đây cũng là dịp mà thầy được gặp Bác Hồ và được Người tặng áo.

Thầy Giơu chia sẻ: “Chuyến đi đó thật đặc biệt. Chúng tôi được gặp Bác Hồ. Tôi nhớ như in hình ảnh của Bác.  Người ân cần nắm lấy tay tôi, bàn tay nồng ấm, tràn ngập tình yêu thương. Rồi Bác trao cho tôi một chiếc áo kaki cùng mấy mét vải, không quên nở một nụ cười, dặn dò chúng tôi phải luôn luôn phấn đấu trong nhiệm vụ để giữ vững danh hiệu đã đạt được”.

Cầm trên tay chiếc áo kaki được Bác Hồ tặng, thầy giáo Tô Sỹ Giơu xúc động rưng rưng. Khắc ghi lời căn dặn của Người, lúc đấy thầy Giơu tự hứa với lòng mình sẽ phấn đấu hết mình với sự nghiệp “trồng người”. Mấy tấm vải, thầy đem bán lấy tiền về đóng bàn ghế cho ngôi trường ở quê còn khó khăn, thiếu thốn. Với chiếc áo kaki, thầy giữ gìn, nâng niu bên mình như một báu vật. Xếp ngăn nắp cất trong tủ, mỗi khi có ngày lễ trang trọng, thầy lại lấy ra mặc với một niềm tự hào. Sau này, chiếc áo kaki Bác Hồ tặng được thầy tặng lại cho Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Yên Thành để trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền.

Cuộc đời thầy giáo Tô Sỹ Giơu gắn với những năm tháng “gieo chữ” ở vùng đất khó. Thầy Lô Kam Y Hiệp, học trò của thầy Giơu, năm nay cũng đã 80 tuổi cho biết, có một thời gian, thầy Giơu được điều động về công tác tại Trường sư phạm miền núi đóng ở huyện Con Cuông. Sống giữa môi trường chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, đời sống kinh tế của bà con dân bản còn lắm khó khăn. Vượt lên tất cả là tình yêu thương dành cho học trò. Không để con em bỏ học, với vai trò là một Hiệu phó, thầy đã cùng với các thầy, cô giáo đến từng gia đình học sinh động viên, chia sẻ, khuyên nhủ để các em tiếp tục sự học của mình. Rất nhiều em sau này là đồng nghiệp của thầy, đảm nhận công việc “gieo chữ”, xóa mù ở những bản làng khó khăn nhất ở các huyện miền Tây Nghê An.

Năm 1976, thầy Tô Sỹ Giơu về nghỉ hưu. Lần dở những tấm Bằng khen đã ố màu thời gian, chúng tôi hiểu rằng, đó là gia tài lớn nhất mà bất cứ người thầy giáo nào cũng nâng niu, trân trọng. Nó là minh chứng sinh động nhất về sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục giành cho thầy. Noi gương thầy, con cháu lại nối tiếp sự nghiệp của cha, ông mình. “Tôi tự hào là cháu của ông. Ông là tấm gương về sự tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Chính cuộc đời ông đã ảnh hưởng tốt đến con cháu để chúng tôi không ngừng cố gắng giữ và viết tiếp truyền thống hiếu học của gia đình”, thầy giáo Tô Viết Vinh, giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Yên Thành (cháu nội của thầy Giơu - P.V) chia sẻ.

Chia tay thầy giáo Tô Sỹ Giơu, tôi nhớ mãi hai câu đối khắc ở cổng nhà thầy: “Sách là ruộng, không ai hỏi thuế - Bút thành cây dễ trổ ra hoa”. Suốt một đời tận tụy, tâm huyết với nghề, điều mà thầy mong muốn, không gì hơn là con cháu giữ được truyền thống gia đình, quý trọng chữ nghĩa, vượt qua gian khổ để học thành người, thành tài.

.

Phan Tuyết

.