(Congannghean.vn)-50 năm trôi qua, Truông Bồn hôm nay đã xanh màu sự sống, nơi chiến trường xưa, làng xóm mọc lên trù phú, cuộc sống đã đổi thay mạnh mẽ. Nhưng những giá trị lịch sử - văn hóa của Truông Bồn năm xưa vẫn còn tồn tại vững bền với thời gian. Để giá trị cao đẹp của những chiến công huyền thoại ấy còn mãi với thế hệ sau, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của cả cộng đồng.
Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Miền đất huyền thoại” hướng về cội nguồn |
Chiến tích Truông Bồn - giá trị lịch sử và văn hóa
Truông Bồn, một đoạn đèo dốc nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, thuộc địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi các tuyến đường đi qua địa bàn Nghệ An bị địch đánh phá và phong tỏa thì tuyến đường 15A trở thành tuyến đường “độc đạo” để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Vị trí Truông Bồn càng trở nên đặc biệt quan trọng, là “yết hầu vận tải”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông. Vì vậy, Truông Bồn trở thành trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, hàng trăm tấn bom đạn đã trút xuống nơi đây nhằm cắt đứt nguồn chi viện cho chiến trường.
Cùng với nhân dân cả nước, đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của không quân và hải quân Mỹ, quân và dân Nghệ An anh hùng đã viết nên những trang sử vẻ vang về sức mạnh đoàn kết, kiên cường, thông minh, sáng tạo và dũng cảm, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong đó, Truông Bồn là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là minh chứng hùng hồn cho tinh thần và bản lĩnh của sức mạnh ấy. Sự kiện ngày 31/10/1968 đã đi vào lịch sử dân tộc, khi tại Truông Bồn, máy bay Mỹ đã ném bom làm 13 thanh niên xung phong (TNXP) của Đại đội 317 hy sinh.
Trong gian khổ, khốc liệt của chiến tranh, tình đoàn kết quân dân càng được thể hiện rõ nét, trở thành giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp. Để phối hợp với bộ đội chủ lực và TNXP, lúc bấy giờ quân và dân xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương đã chia thành các tổ chốt giữ các địa bàn. Như tổ trực chiến đánh trả máy bay Mỹ; tổ phối hợp với TNXP đào đắp, hàn vá mặt đường; tổ bốc vác… Chính tinh thần đoàn kết, ý chí vượt qua mọi khó khăn của quân và dân ta tại Truông Bồn đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp, 1 dấu ấn trong huyền thoại Truông Bồn.
Chiến tranh ác liệt là thế, nhưng chính Truông Bồn là nơi thử thách và ngời sáng tình yêu đôi lứa, niềm tin vào tương lai. Những TNXP Truông Bồn, ngoài ý chí chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng nước nhà, vẫn chăm lo học bổ túc văn hóa. Thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi, các anh, các chị vẫn tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ với tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và tương lai. Ở đấy, còn có cả tình yêu đôi lứa đẹp đẽ, đáng trân trọng. Đó là mối tình cao đẹp của anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm. Dù vĩnh viễn nằm lại Truông Bồn nhưng tình yêu của họ vẫn vẹn nguyên cùng 1 niềm tin, tình yêu cho lý tưởng hòa bình, độc lập của dân tộc. Hay như mối tình của anh Lê Hải Diên - chiến sỹ bộ đội hành quân qua Truông Bồn, từ cảm phục những cô gái TNXP nơi đây mà thầm thương trộm nhớ chị Trần Thị Thông, để rồi sau này nên duyên chồng vợ.
Có thể nói, trong chiến tranh khốc liệt, tình yêu đôi lứa càng trở nên trong sáng, đẹp đẽ bởi nó được thử thách, đồng hành và hòa chung với tình yêu quê hương đất nước, trở thành sức mạnh tinh thần và giá trị văn hóa cao đẹp của thời chiến.
Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Truông Bồn
Thực tế, giá trị lịch sử, văn hóa của chiến tích Truông Bồn là những gì còn đọng lại qua thời gian cần được bảo tồn và phát huy, để xứng đáng là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Để tri ân những đóng góp của quân và dân ta, ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sỹ thuộc Đại đội 317 TNXP Nghệ An, trong đó có 13 chiến sỹ đã hy sinh ngày 31/10/1968. Bên cạnh công tác tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn, những năm qua, tỉnh nhà đã tổ chức nhiều hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, tri ân những người có công với cách mạng.
Ngoài ra, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật, tư liệu liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử của huyền thoại Truông Bồn. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động về nguồn, gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện với các nhân chứng lịch sử của chiến tích Truông Bồn. Hiện nay, Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã có nhiều hoạt động để phát huy giá trị như: Tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới cho học sinh, là nơi báo công của đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh các cấp, tổ chức phục vụ các hoạt động về nguồn… Đặc biệt, nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để phát triển thành điểm du lịch tâm linh. Chính vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của các sự kiện lịch sử và di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; hình tượng hóa huyền thoại Truông Bồn thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật; đồng thời, liên kết hình thành các tour du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa du khách về với Truông Bồn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu nặng đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích Truông Bồn |
50 năm qua, kể từ khi sự kiện bi tráng ngày 31/10/1968 diễn ra đến nay, Truông Bồn vẫn vẹn nguyên những tình cảm trân quý, sự biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với sự hy sinh cao cả và oanh liệt của các chiến sỹ TNXP anh hùng, đã ngã xuống cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta. Với Truông Bồn, vẫn còn nóng hổi những bài học, giá trị lịch sử to lớn.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Truông Bồn là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đồng chí Thủ tướng nhấn mạnh, sự hy sinh của 13 chiến sỹ là tấm gương sáng ngời về sự hy sinh to lớn của các thế hệ tuổi trẻ, của hàng nghìn TNXP Nghệ An cũng như hàng chục vạn TNXP cả nước. Các anh, các chị đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân và cả máu xương của mình vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Thủ tướng Chính phủ biểu dương Đảng bộ, chính quyền Nghệ An đã luôn nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, phát triển toàn diện và bền vững. Đặc biệt, Nghệ An đã quan tâm đến công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc các đối tượng chính sách và người có công, quan tâm xây dựng “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
.