(Congannghean.vn)-Giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới tránh áp đặt, một chiều; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục… là mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tuy nhiên, theo chương trình GDPT mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố thì việc triển khai và thực hiện vẫn còn những khó khăn.
Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình GDPT mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành vào ngày 26/12/2018. Năm học 2020 - 2021 sẽ bắt đầu thực hiện chương trình GDPT mới, sách giáo khoa lớp 1. Chương trình GDPT được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Chương trình GDPT mới sẽ có nhiều điểm khác so với chương trình giáo dục hiện hành. Trong đó, đáng chú ý, về mục tiêu giáo dục, sẽ chuyển từ nền giáo dục nặng về kiến thức sang nền giáo dục hướng đến phát triển con người toàn diện, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ chương trình GDPT hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn…
|
Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của đội ngũ giáo viên rất quan trọng |
Theo nội dung mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, trong chương trình mới của bậc tiểu học sẽ gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Đó là các môn gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ (trước đây là môn Thủ công và Kỹ thuật), Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (trước đây là môn Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, có 2 môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Nếu như trước đây, môn Tin học là môn tự chọn thì nay được chuyển thành môn bắt buộc. Các môn học cũng đã được tích hợp, trong đó môn Vật lý - Hóa học - Sinh học sẽ tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý sẽ được gộp lại thành một môn; môn Nghệ thuật thay cho môn Mỹ thuật và Âm nhạc. Cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Vẫn còn những khó khăn...
Tuy nhiên, có những thách thức cũng như khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Đó là tình trạng thừa - thiếu giáo viên, đội ngũ giáo viên hiện nay liệu có đáp ứng được yêu cầu của các môn học, hoạt động giáo dục mới. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu phòng học, trang thiết bị là 2 mối lo lớn nhất của các địa phương khi triển khai chương trình GDPT mới.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới, tính đến tháng 10/2018, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (trong đó, mầm non thiếu 43.732 người, tiểu học thiếu 18.953 người, THCS thiếu 10.143 người, THPT thiếu 3.161 người).
Theo Bộ GD&ĐT, lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2020 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2021 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88 Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa để kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021.
|
Thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỉ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học trên cả nước hiện mới đạt 1,43 giáo viên/lớp (quy định là 1,5), trong đó chủ yếu thiếu giáo viên môn Tin học, Ngoại ngữ. Ở cấp THCS lại có tình trạng thừa - thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số trường hoặc giữa các địa phương trong cùng một tỉnh. Đơn cử như, cả nước hiện còn thiếu hơn 10.000 giáo viên một số môn, nhưng lại thừa hơn 12.000 giáo viên các môn khác.
Thiếu phòng học, cơ sở vật chất lạc hậu cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương. Theo báo cáo của các địa phương về thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học năm 2018, cả nước có hơn 560.000 phòng học, trong đó tỉ lệ phòng học kiên cố chỉ đạt chưa đến 75%. Chưa kể, tỉ lệ phòng học/lớp ở các cấp học đều thiếu, trung bình khoảng gần 0,9 phòng/lớp, trong khi yêu cầu của chương trình mới là phải đạt 1 phòng/lớp.
Ngoài ra, theo chương trình phổ thông tổng thể mới, cấp THPT, các môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn theo nhóm Khoa học xã hội (gồm Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Lịch sử và Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật), tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Khi tự chọn môn học thì sẽ xảy ra hiện tượng học sinh đổ xô chọn một số môn. Theo đó, sẽ có những giáo viên quá tải và không ít giáo viên thất nghiệp vì không có học sinh đăng ký học.
... Và sẽ được “gỡ theo lộ trình”
Trước những băn khoăn, lo lắng về vấn đề thừa - thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Chương trình mới không bớt môn học nào, nên chắc chắn không có giáo viên nào bị thừa. Thiết kế của các nội dung giáo dục của chương trình mới khác so với hiện tại, song về dung lượng các môn học không có nhiều thay đổi, đội ngũ giáo viên hiện tại đều có thể đáp ứng, chỉ cần được bồi dưỡng tốt. Ví dụ như: Cấp tiểu học có môn học mới là Lịch sử và Địa lý. Mặc dù được thiết kế là môn học tích hợp, song giáo viên môn nào vẫn phụ trách nội dung môn đó. Tổng số tiết học so với hiện nay vẫn cơ bản ổn định, bởi vậy sẽ không có tình trạng thừa giáo viên. Với 2 môn Ngoại ngữ và Tin học, Bộ đã xây dựng lộ trình đào tạo giáo viên chuyên ngành để bổ sung.
Bên cạnh đó, một trong những lo ngại khi áp dụng chương trình GDPT mới đó là điều kiện cơ sở vật chất, về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất, ưu tiên cho cấp tiểu học, nhất là lớp 1 để thực hiện chương trình mới, sau đó là các lớp, cấp học tiếp theo. Bộ sẽ hỗ trợ để gỡ khó cho các địa phương theo lộ trình. Trước mắt, ngay trong Quý I/2019, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để làm căn cứ cho các địa phương xây dựng kế hoạch mua sắm, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới và hướng dẫn việc đầu tư, xây dựng bổ sung trường, lớp, cho phép nâng tầng ở những nơi khó khăn về quỹ đất...
Tại Nghệ An, phát biểu tại Hội thảo về phát triển GDPT, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng chỉ ra nhiều nội dung sẽ phải thực hiện trong thời gian tới, đó là sắp xếp lại quy mô trường lớp, đảm bảo sỹ số tối thiểu theo quy định. Đồng thời, phải tiếp tục quan tâm tới các điều kiện thực hiện như đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất trang thiết bị, công tác tổ chức dạy học. Đặc biệt, cần phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại hội nhập, nâng cao chất lượng toàn diện…