Văn hóa - Giáo dục
Học tập nghị quyết của Đảng không chỉ là đảng viên
Việc nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng được quy định thành chế độ bắt buộc trong cả hệ thống chính trị và được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Hơn lúc nào hết, dân chủ XHCN đang đặt ra cấp thiết, bảo đảm người dân được tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn vậy, trước hết mỗi đảng viên và người dân phải thống nhất trong nhận thức và hành động, bởi hiểu không đúng nghị quyết thì sẽ làm sai, thậm chí làm trái.
Từ trước đến nay, việc triển khai, nghiên cứu học tập nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên do các đảng bộ, chi bộ tổ chức thực hiện. Đối với tuyên truyền nội dung nghị quyết cho nhân dân thì do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện. Đây cũng chính là quyền về tiếp cận thông tin của công dân.
Tuy nhiên, hiện nay không ít cán bộ và người dân thờ ơ, thiếu quan tâm việc học tập nghị quyết. Bởi họ cho rằng chỉ có đảng viên mới phải học nghị quyết. Thậm chí ngay trong đội ngũ cán bộ công tác ở các tổ chức chính trị - xã hội, khi được nghe triển khai nghị quyết không thuộc lĩnh vực công tác của mình cho rằng “thừa”, vì không liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn. Đó là cách hiểu chưa đúng. Bởi ngay trong tên gọi các tổ chức chính trị - xã hội đã thấy các tổ chức này có “hai vai”, “vai” làm chính trị và “vai” làm công tác xã hội. Để làm tròn vai chính trị, trưởng các tổ chức này đều được cơ cấu vào trong cấp ủy, trong các ban tư vấn hội đồng của chính quyền, tham gia giám sát, phản biện xã hội….
Học tập quán triệt các nghị quyết được Công an Nghệ An thường xuyên tổ chức chu đáo và hiệu quả cao. Ảnh: Huyền Thương |
Đặc biệt, từ Đại hội XII của Đảng đến nay, tất cả các nghị quyết của Trung ương trong phần tổ chức thực hiện, đều đề cao vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Bởi nghị quyết ra đời để phục vụ nhân dân, nghị quyết có đi vào cuộc sống hiệu quả hay không đều phụ thuộc vào sức dân. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể là giám sát, phản biện xã hội.
Để làm được điều đó thì mỗi cán bộ trong các tổ chức này đều phải nắm chắc, hiểu sâu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu không hiểu, thì không thể biết đâu đúng, đâu sai, và như thế không thể giám sát, phản biện xã hội.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa của cán bộ đoàn thể là tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục để người dân hiểu chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Vì thế việc học tập nghị quyết của Đảng là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả cán bộ đoàn thể, chứ không riêng gì cán bộ, đảng viên. Ở nước ta, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Toàn bộ hệ thống chính trị đều là đại diện cho nhân dân, hay nói cách khác là nhân dân ủy quyền để lãnh đạo, quản lý điều hành mà thôi. Nếu làm không tốt, nhân dân sẽ lấy lại quyền ủy thác đó. Nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ, vì vậy nhân dân được quyền biết và có trách nhiệm phải biết các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình ủy quyền đó hoạt động ra sao.
Phát huy dân chủ XHCN được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng trong thời gian qua, thể hiện rõ nhất là được xác định là một trong 5 thành tố của chủ đề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Việc tuyên truyền nghị quyết tới nhân dân là quy định bắt buộc. Từ cuối năm 2017, quy định thêm một kênh giám sát, phản ánh của người dân là quy định hằng quý, cấp ủy, chính quyền phải tổ chức đối thoại với nhân dân.
Nguồn: Tạp chí xây dựng Đảng