Văn hóa - Giáo dục
Trang bị kiến thức, kỹ năng, ứng xử cho học sinh trong giao thông
08:41, 11/01/2019 (GMT+7)
Cuộc thi “Giao thông học đường” toàn quốc là hoạt động thiết thực góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thông.
Cuộc thi “Giao thông học đường” toàn quốc lần thứ IV năm học 2018-2019 giúp trẻ em tiếp cận hiệu quả các kiến thức về an toàn giao thông. Ảnh minh họa |
Sáng 10/1, Bộ GD&ĐT, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức họp báo về cuộc thi “Giao thông học đường” toàn quốc lần thứ IV năm học 2018-2019.
Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Kế hoạch năm An toàn giao thông năm 2018 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”.
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh, Cuộc thi là hoạt động thiết thực góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thông, giúp các em tiếp cận với các kiến thức về an toàn giao thông một cách gần gũi, tự nhiên theo một hình thức tuyên truyền mới, nhẹ nhàng và hấp dẫn, đồng thời tạo điều kiện để các em học sinh tiếp cận bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe môtô hạng A1. Đây là một trong số ít hoạt động được Bộ GD-ĐT cho phép triển khai trong hệ thống nhà trường hiện nay.
Giao thông học đường là một cuộc thi được tổ chức thường niên, mang ý nghĩa giáo dục thực tiễn và ý nghĩa xã hội sâu sắc, đến nay cuộc thi đã tổ chức qua 3 mùa giải kể từ năm 2014.
Tiếp nối thành công từ ba mùa thi trước, cuộc thi sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 7/1/2019 đến tháng 5/2019 với 3 vòng thi: Vòng thi cấp trường từ ngày 7/1/2019 đến ngày 29/3/2019, Vòng thi cấp tỉnh từ 15/4/2019 đến ngày 24/4/2019 và Vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào tháng 5/2019.
Đặc biệt, để tạo hứng thú cho các em học sinh, cuộc thi năm nay có sự đổi mới trong hình thức và cách thức thi. Cụ thể, thí sinh tham gia trả lời 30 câu hỏi (thay vì 35 câu như các năm trước), tổng thời gian tối đa trả lời câu hỏi là 15 phút, thí sinh tùy ý chọn thứ tự câu hỏi để trả lời (Có thể bấm nút CÂU TIẾP THEO để chuyển sang câu hỏi khác và quay lại trả lời bằng cách bấm vào số thứ tự câu phía dưới chân trang) sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh bấm KẾT THÚC để hệ thống chấm điểm.
Tại Vòng thi toàn quốc sẽ có 1 Giải Đặc biệt trị giá 10.000.000 đồng; 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng; 3 giải Nhì, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng; 5 giải Ba, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng.
Nguồn: Nhật Nam/Chinhphu.vn