Văn hóa - Giáo dục
Bộ trưởng GD&ĐT: Phải giảm áp lực hành chính cho giáo viên
16:46, 10/01/2019 (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm hơn nữa đến ngành giáo dục, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT sát sao thêm để sớm nhận diện trước vấn đề, từ đó kịp thời xử lý, hạn chế nhỏ nhất sự việc đáng tiếc xảy ra.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì điểm cầu Bộ GD&ĐT trong Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Khối lượng công việc lớn
Chương trình GDPT được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT, các cơ sở đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục chỉ đạo triển khai hướng dẫn của Bộ về thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, đồng thời chỉ đạo các trường, giáo viên chủ động nghiên cứu, áp dụng những vấn đề mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới sao cho phù hợp quy định và đạt hiệu quả tích cực.
Về tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chỉ sáp nhập đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường, chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các cơ sở giáo dục thuộc diện dồn dịch điểm lẻ cần chuẩn bị đủ cơ sở vật chất (phòng học, phòng ở bán trú, nhà làm việc, nhà công vụ, các công trình bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, hệ thống điện nước,…).
Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học. Chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại địa phương (Đề án). Trên cơ sở thực trạng cơ sở vật chất trường học của địa phương, khả năng cân đối các nguồn vốn, các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đẩy mạnh truyền thông về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tại địa phương; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, hàng năm báo cáo Bộ GD&ĐT…
Giảm gánh nặng hành chính cho giáo viên
Chủ trì điểm cầu Bộ GD&ĐT trong Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh nhiều tới vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo, đây là lực lượng quyết định thành bại của đổi mới giáo dục. Liên quan đến chương trình GDPT mới, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình.
Nhằm tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần giảm áp lực cho giáo viên bằng giảm gánh nặng hành chính, sổ sách. Và một trong những biện pháp giảm gánh nặng hành chính là ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, rà soát đăng ký thi đua trên cơ sở thiết thực…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ làm kiên quyết, có chế tài kiểm tra, thanh tra, để các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tăng cường kĩ năng quản trị nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường thân thiện, đổi mới, tránh gây bức xúc, dồn nén cho thầy cô. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở ngành, hiệu trưởng nhà trường thực hiện nghiêm túc việc này.
Hai nhiệm vụ sẽ được ngành giáo dục chú trọng trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đó là hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo, chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình. Rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy, những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau.
Với một số trường hợp cá biệt vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua tại một vài địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những cán bộ, nhà giáo vi phạm phải bị xử lý theo pháp luật và thầy cô vi phạm pháp luật không xứng đáng đứng trên bục giảng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm hơn nữa đến ngành giáo dục, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT sát sao thêm để sớm nhận diện trước vấn đề, từ đó kịp thời xử lý, hạn chế nhỏ nhất sự việc đáng tiếc xảy ra.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng mong muốn lãnh đạo địa phương tăng cường trao đổi để cùng Bộ GD&ĐT tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ những vấn đề vượt ra khỏi khỏi phạm vi của Bộ để giải quyết kịp thời các vấn đề của giáo dục địa phương.
Nguồn: Nhật Nam/Chinhphu.vn