Văn hóa - Giáo dục
Một tấm gương sống & một trăm bài diễn văn
1. Có thể nói, trong cuộc sống của mỗi người ai cũng đều phải có trách nhiệm nêu gương. Trong phạm vi gia đình, người lớn phải làm gương cho người trẻ, ông bà, cha mẹ phải làm gương cho con cháu, anh/chị làm gương cho em. Trong công việc, người lãnh đạo phải nêu gương với nhân viên,…
Công cuộc chống tham nhũng, chống cán bộ thoái hóa biến chất đang được Đảng với sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Hàng loạt cán bộ cao cấp từ Trung ương đến địa phương phải trả giá cho những hành vi sai trái, bất chấp pháp luật trục lợi cho cá nhân cùng nhóm lợi ích của chính mình. Và cũng chưa bao giờ lòng dân phấn khởi vậy, khi mà chuyện ai cũng biết đã tồn tại nhiều năm trời nhưng không có ai giải quyết. Hoặc nếu có giải quyết thì cũng giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết còn ngại va chạm, còn sợ mất lòng người này người kia. |
Đối với quan chức, từ xưa đến nay, quan chức thời nào cũng được hiểu đó là công bộc của dân, lấy sự nghiệp phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân làm đầu. Họ là người phải nêu cao gương mẫu, là tấm gương đạo đức để cấp dưới, để nhân dân noi theo. Quan càng to, cán bộ cấp càng cao thì càng phải gương mẫu như vậy.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi việc nêu gương. Người đã từng nói: “Đảng ta là Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo là người đầy tớ trung thành của nhân dân” (Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Và Người thật sự một tấm gương sáng ngời về: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, yêu nước, thương dân, bao dung, độ lượng, sống có tình, có nghĩa, thủy chung, không tham lam tiền bạc, vật chất, nói đi đôi với làm, ham học hỏi,...
Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, Đảng viên “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính” hoặc “đối với chữ cần, chữ kiệm, chữ hy sinh, chữ công bằng, các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”.
Minh họa: Hùng Dingo. |
Để làm được điều đó, cán bộ, Đảng viên phải tu dưỡng đạo đức cách mạng để luôn là người tốt. Với Người, “lấy gương người tốt việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trương ương. Quy định này tập trung quy định những điều mà Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương “phải gương mẫu đi đầu thực hiện” cũng như “phải nghiêm khắc với bản thân và nghiêm khắc chống”.
Thật ra, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước đây.
Theo đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó mà ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng và pháp luật gây dư luận xấu trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân.
Song song với đó, thời gian qua, một số cán bộ cấp cao có nhiều sai phạm trong công tác đã bị xử lý thật nghiêm khắc. Đó cũng là một cách nêu gương để người khác nhìn vào mà tránh.
Chính sự mạnh tay chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng ta thời gian qua với tinh thần không nể nang, không vùng cấm đã thực sự khiến nhân dân cảm phục và càng tin tưởng vào Đảng.
2. Có thể thấy, những vụ việc liên quan đến những sai phạm của cán bộ cấp cao khiến nhân dân bức xúc thời gian dài thì gần đây đã được lần lượt đưa ra ánh sáng. Trong đó, nóng nhất là vi phạm liên quan đến quản lý đất đai ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, tại kỳ họp vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM thì Ủy ban Kiểm tra kết luận là vi phạm của ông Cang là rất nghiêm trọng đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Trước đó, đầu tháng 6-2018, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang sau kết quả kiểm tra liên quan đến Dự án khu dân cư Phước Kiểng do Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Rồi đây, Đảng sẽ có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc với ông Tất Thành Cang vì những vi phạm của ông. Bản thân làm cán bộ cấp cao của thành phố, ông không lo nghĩ cho dân, không làm đúng pháp luật, đó là điều đáng trách và đáng buồn. Sự kỷ luật đối với ông lúc này là cần thiết để nêu gương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có câu nói rất hay về nêu gương rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Đúng như Người dạy, khi mỗi cán bộ trên đất nước này thật sự là một “tấm gương sống” thì đó quả là phúc của đất nước, của nhân dân. Với những chủ trương, đường lối, quy định của Đảng hiện tại, với những gì đã và đang diễn ra trong công tác cán bộ, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào điều đó!
Nguồn: ANTG/Báo CAND