Văn hóa - Giáo dục

Thanh danh!

08:24, 03/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tội phạm được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, không có vùng cấm... khiến không ít người đã từng là quan chức, giữ cương vị cao từ trung ương đến địa phương phải bị kỷ luật, ra tòa cúi đầu lĩnh án. Họ kém về trí tuệ hay muốn “bán” thanh danh của mình lấy những lợi ích vật chất?

Ảnh minh họa. (Nguồn: baodatviet.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: baodatviet.vn)
Khi người ta đã có quyền lực thì cũng là lúc dễ sa ngã, đặc biệt khi không giữ được sự liêm chính của mình. Tổ tiên ta rất trọng hiền tài. Trong bia ghi danh các Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Chính vì thế, nên triều đình dựng bia để biểu dương, đồng thời răn dạy những người vinh dự được ghi tên trên bia đá này phải gìn giữ phẩm giá, dù ở cương vị nào cũng phải “nung nấu lòng ngay, trau dồi tiết lớn, nêu cao thanh danh lừng lẫy, công nghiệp lỗi lạc, ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình cất nhắc, dưới không phụ chí khí hoài bão trong đời”.
 
Các cụ cảnh báo: “Thảng hoặc có kẻ không được như thế, đời sau sẽ có người chỉ vào tên mà bàn tán rằng: người này trung chính, kẻ kia gian tà; người này thanh liêm giữ mình, người kia tham lam mất chức; người này thẳng ngay; người kia nhu nhược … ắt không tránh khỏi sự khen chê của người đời”.
 
Dù lịch sử đổi thay, thời đại đã khác, nhưng trọng danh dự, phẩm giá, gìn giữ thanh danh mãi mãi là một hằng số, là một giá trị được khẳng định. Người tôn trọng, gìn giữ thanh danh thì làm việc hết mình để cống hiến cho đất nước, cho cộng đồng; luôn luôn giữ mình thanh sạch, không bị cám dỗ bởi những lợi ích bất chính.
 
Cám dỗ lớn nhất của con người, có lẽ là tiền bạc, nhưng luôn có hai hình thức kiếm tiền. Nếu kiếm tiền chân chính bằng tri thức, bằng khoa học và công nghệ, bằng kinh doanh hợp pháp … thì đó là một sự cống hiến. Họ tạo ra sản phẩm có giá trị, đóng thuế, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Xã hội biết ơn họ.
 
Hình thức thứ hai là kiếm tiền bất chính. Khi đã bị cuốn vào guồng quay kiếm tiền thì họ sẽ bỏ qua những chuẩn mực, bất chấp tất cả để có nhiều tiền. Và đương nhiên danh dự, nhân phẩm cũng bị bào mòn. Họ trở thành nạn nhân của lòng tham, mất đi lý trí, hay nói cách khác là “mờ mắt vì tiền”. Có thể nói, họ bị khủng hoảng giá trị cuộc sống.
 
Hãy nhìn các tỷ phú trên thế giới, có người nói rằng: "Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng". Do đó, không ít tỷ phú đã dành phần lớn tài sản cống hiến trở lại cho xã hội.
 
Tiền bạc khi có được bằng lao động chân chính và sử dụng nó cho lợi ích cộng đồng mới có ý nghĩa, mang lại thanh danh, cũng như hạnh phúc cho con người. Ngược lại, kiếm tiền bất chính để rồi luôn luôn giấu diếm, lo sợ bị phanh phui thì khối tài sản đó trở thành gánh nặng của sự lo âu, sợ hãi.
 
Do đó, mỗi người luôn luôn phải tự rèn luyện mình, gìn giữ sự trong sạch, liêm chính, cảnh giác trước mọi cám dỗ, để có một cuộc đời nhìn lại không hổ thẹn.
 
Tuy nhiên, muốn để quan chức có cơ hội dưỡng liêm thì rất cần có một môi trường pháp luật thật tốt, không tạo ra những lỗ hổng khiến lòng tham nảy nở, vơ vét của công. Pháp luật tốt thì buộc mọi người phải tuân thủ!

Nguồn: Thái Vũ/Dangcongsan.vn

Các tin khác