Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201811/nang-cao-van-hoa-ung-xu-trong-hoc-duong-821567/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201811/nang-cao-van-hoa-ung-xu-trong-hoc-duong-821567/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nâng cao văn hóa ứng xử trong học đường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 01/11/2018, 08:18 [GMT+7]

Nâng cao văn hóa ứng xử trong học đường

(Congannghean.vn)-Khi môi trường văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử trong học đường bị xuống cấp thì nhà trường khó có thể thực hiện được chức năng truyền tải tri thức, các giá trị, chuẩn mực văn hóa cho học sinh, sinh viên (HS-SV). Vì vậy, nâng cao văn hóa ứng xử học đường không chỉ trong HS-SV mà còn có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là rất cần thiết. Qua đó, để giáo dục và rèn luyện, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa cho HS-SV; đồng thời, góp phần xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Nâng cao văn hóa ứng xử trong học đường góp phần xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Nâng cao văn hóa ứng xử trong học đường góp phần xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Thực trạng đáng buồn

Trong các nhà trường hiện nay, phần lớn HS-SV có lối sống văn hóa, đời sống tinh thần lành mạnh, biết phê phán những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi thiếu văn hóa, trái thuần phong mỹ tục, có tinh thần yêu nước, biết trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại, một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất, đạo đức, ứng xử văn hóa của một bộ phận HS-SV đang bị xuống cấp, có biểu hiện suy thoái, lệch lạc.

Cụ thể như, một số HS-SV có biểu hiện bất hiếu với cha mẹ, vô lễ với thầy, cô giáo, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với gia đình… Nhiều HS-SV nghiện chơi điện tử, đam mê với cuộc sống ảo trên internet dẫn đến có hành vi bạo lực và hành xử thiếu văn hóa. Đặc biệt, tình trạng bạo lực học đường như học sinh đánh nhau, học sinh tấn công thầy giáo, hiện tượng phụ huynh đánh giáo viên ngay trong trường học; giáo viên thô bạo với học sinh bằng lời nói, hành động… vẫn xảy ra tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử của cán bộ quản lý, giáo viên cũng có nhiều chuyện đáng bàn. Vẫn còn hiện tượng thiếu dân chủ, chèn ép, thành kiến, trù dập học sinh, tổ chức dạy thêm sai quy định, chưa đúng mực trong ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh và người dân đến làm việc; thái độ, hành vi, phát ngôn nhiều lúc thiếu chuẩn mực… trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.

Theo báo cáo của Công an 63 tỉnh/thành phố, từ năm 2010 đến nay, có 7.735 HS-SV tham gia đánh nhau và bị xử lý kỷ luật. Theo kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho HS-SV phổ thông và các trường đại học, có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy.

Ngày 17/10, tại Trường ĐH Vinh, Công đoàn Giáo dục Nghệ An phối hợp với Công đoàn Trường ĐH Vinh đã tổ chức Hội thảo xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo số liệu, qua lấy ý kiến của gần 300 giáo viên và hơn 1.000 học sinh tại 22 trường trên địa bàn cho thấy thực trạng: Đang có sự suy giảm về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học. Càng lên cấp học trên, tỉ lệ học sinh hạnh kiểm tốt giảm xuống, tỉ lệ hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Nếu ở bậc THCS, tỉ lệ học sinh đạt hạnh kiểm trung bình là 5% và yếu là 0,7% thì đến cấp THPT, tỉ lệ này tăng mức trung bình là 5,9% và yếu là 3,9%.

Tại Hội thảo cũng bàn về việc nhận thức của các cán bộ quản lý, giáo viên về vấn đề văn hóa ứng xử học đường vẫn chưa được đầy đủ. Nhiều giáo viên khi được hỏi về văn hóa học đường tỏ ra lúng túng. Điều này ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử học đường cho học sinh tại các trường phổ thông và sinh viên các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Thực trạng đáng buồn về văn hóa ứng xử trong học đường, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tác động của quá trình hội nhập quốc tế, mặt trái của kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin… còn có nguyên nhân chủ quan xuất phát về phía phụ huynh. Trong khi một bộ phận giáo viên chỉ chú trọng đến truyền đạt kiến thức cho các em ở trên lớp mà quên đi giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống thì tình trạng một số phụ huynh vẫn phó mặc việc dạy dỗ con em mình cho nhà trường. Trong khi đó, nhà trường không thể quản lý, kiểm soát được các hoạt động của học sinh suốt cả ngày.

Nỗ lực từ ngành Giáo dục

Hội thảo Xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng khẳng định: Để xây dựng văn hóa học đường phải bắt đầu từ các cấp quản lý ngành, lãnh đạo. Đội ngũ nhà giáo cần chú trọng giáo dục văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử học đường, từ đó góp phần hình thành và phát triển nhân cách văn hóa cho HS-SV. Bên cạnh đó, để tạo dựng được 1 môi trường văn hóa học đường thì rất cần sự phối hợp, chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Qua đó, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, lành mạnh, trong sáng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng Bộ Quy tắc văn hóa ứng xử, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử. Người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học biết và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử.

Mục tiêu của Đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS-SV để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Đề án phấn đấu trong giai đoạn 2018 - 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường. Giai đoạn 2021 - 2025 đạt 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS-SV được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt về tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và có ít nhất 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.

Đề án bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo, vùng miền. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho nhà giáo, người học…

Thiết nghĩ, cùng với sự nỗ lực từ phía ngành Giáo dục thì việc xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường cần thực hiện đồng bộ, thống nhất và sự phối hợp, chung tay giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Theo đó, nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường hiệu quả. Xây dựng kế hoạch và tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho HS-SV thông qua các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục ứng xử văn hóa của cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường. Đối với gia đình, có trách nhiệm chính giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng. Tích cực phối hợp với nhà trường thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nêu gương cho người học trong ứng xử văn hóa…

.

Thu Thủy - Cao Loan

.