(Congannghean.vn)-Không phải là cái nôi của ca trù nhưng ở xứ Nghệ, ca trù xuất hiện dưới dạng các phường hát, nó được thừa hưởng từ kho tàng rất phong phú của ca dao, dân ca mà tiêu biểu là các điệu hò ví, giặm. Vừa qua, đại diện tỉnh nhà tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018, Câu lạc bộ (CLB) ca trù Diễn Châu đã thể hiện nhiều tiết mục để lại cảm xúc trong lòng khán giả, xuất sắc giành được nhiều giải cao tại Liên hoan.
1 tiết mục của CLB Ca trù Diễn Châu tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 |
Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 diễn ra từ ngày 1 - 5/11 tại TP Hà Tĩnh, với sự tham gia của 15 đoàn nghệ thuật, CLB đến từ 13 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến với Liên hoan, hơn 300 nghệ nhân, diễn viên thể hiện 88 tiết mục trong các không gian diễn xướng truyền thống của nghệ thuật ca trù. CLB Ca trù Diễn Châu là CLB duy nhất của tỉnh Nghệ An tham gia Liên hoan lần này.
Huyện Diễn Châu - mảnh đất từng nức danh với “giáo phường đại hàng Kẻ Lứ”. Theo thời gian, ca trù cũng lắm lúc thăng trầm, có lúc tưởng chừng như không tồn tại được. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của địa phương và những người yêu mến ca trù, cho đến nay nó đã được hồi sinh. CLB ca trù Diễn Châu được thành lập vào năm 2002. Hiện nay, CLB có 15 hội viên. Ca nương nhiều tuổi nhất năm nay cũng tròn 60 tuổi.
Ông Trần Cảnh Yên, Chủ nhiệm CLB Ca trù Diễn Châu cho biết: Ca trù là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, vừa mang tính dân gian lại vừa bác học. Cái không gian của ca trù không rộng rãi, quần chúng như ví, giặm mà mang tính chất thính phòng, nó phải có phòng hát, có đào nương với tiếng phách, tiếng đàn, trống… Những thành viên trong CLB chủ yếu là nông dân chân lấm tay bùn, họ đến với ca trù với một niềm đam mê, mà nói như họ đó là “một thú vui”. Ngoài CLB ca trù của huyện, đến nay đã nhân rộng và phát triển thêm 5 CLB tại các xã Diễn Yên, Diễn Liên, Diễn Mỹ, Diễn Hoa và Diễn Xuân.
Từ các hoạt động như: Tế lễ, mừng thọ, đón dòng họ văn hóa đến các lễ hội như làng Sen, lễ hội đền Cuông không thể thiếu được tiếng ca trù. Nó là phần hội đặc biệt thu hút nhiều người quan tâm. Tham gia Liên hoan lần này, CLB Ca trù Diễn Châu thể hiện 8 tiết mục bắt buộc và 3 tiết mục tài năng. “Mặc dù bận việc đồng áng nhưng các thành viên đã cố gắng sắp xếp thời gian tập luyện 2 tháng trời. Tham dự liên hoan, các thành viên đều rất hăng say, đặc biệt, trong CLB có 1 gia đình gồm bố, mẹ và con dâu cùng đi dự liên hoan, 2 tiết mục của 1 cặp vợ chồng, 1 tiết mục có cả gia đình tham gia biểu diễn”, ông Trần Cảnh Yên cho biết thêm. Không bõ công những năm tháng tập luyện và duy trì, thành quả mà CLB Ca trù Diễn Châu giành được là đoạt giải A toàn đoàn, ca nương Cao Thị Bích Lâm đoạt giải A phần thi tài năng hát, Nguyễn Minh Tiến đoạt giải B phần thi tài năng trống chầu, đem vinh quang về cho đoàn Nghệ An.
Để làm nên thành công của Liên hoan Ca trù toàn quốc lần này, theo ông Trần Cảnh Yên thì CLB nhận được sự quan tâm động viên rất kịp thời từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Trong quá trình tập luyện đến khi biểu diễn, các thành viên được lãnh đạo huyện, Phòng Văn hóa thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, động viên, chia sẻ. “Dù chỉ là về mặt tinh thần nhưng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi…”, ông Yên cho biết.
Ca trù là thể loại âm nhạc bác học kén người hát và người nghe. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát huy di sản ca trù phải có lớp ca nương trẻ kế thừa. Tuy nhiên, ở Nghệ An nói chung, huyện Diễn Châu nói riêng, đây đang là 1 vấn đề khó khăn khi mà ít người trẻ có đam mê với ca trù. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho CLB ca trù vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu là tổ chức ở liên hoan hoặc phục vụ tại các lễ hội thì mới được tập huấn… Hầu như chế độ không có, nguồn kinh phí hoạt động đều trên tinh thần tự nguyện.
Để lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc này, mong muốn của những người yêu ca trù là được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để trang bị thêm nhạc cụ, thiết bị, đào tạo ca nương, tạo điều kiện để các câu lạc bộ được giao lưu, tập luyện, học hỏi lẫn nhau…