(Congannghean.vn)-Sau hàng loạt sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 được phát hiện, có nhiều thông tin trái chiều xung quanh kỳ thi này vào năm 2019. Để giải tỏa nỗi lo lắng, thấp thỏm của học sinh và phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có thông tin chính thức: Về cơ bản, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 vẫn giữ ổn định như kỳ thi năm 2018. Tuy nhiên, để đảm bảo kỳ thi công bằng, nghiêm túc và khách quan, sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật, nhất là khâu chấm thi.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ bám sát nhiệm vụ đánh giá mức độ học vấn phổ thông |
Đề thi sẽ bao phủ toàn bộ chương trình 3 lớp 10, 11 và 12
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2018 mở rộng nhằm đánh giá lại toàn bộ quy trình tổ chức thi và tìm giải pháp khắc phục những bất cập đã xảy ra, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Bộ đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tối đa cho việc phát hiện, ngăn chặn các sai phạm trong quá trình chấm thi để hạn chế tiêu cực như đã xảy ra ở kỳ thi năm 2018.
Năm học 2018 - 2019 đã bắt đầu hơn 1 tháng, hiện vấn đề đề thi ra theo hướng nào, phạm vi ra sao đang là mối quan tâm của các em, nhất là học sinh cuối cấp và giáo viên các trường. Theo Quy chế thi THPT Quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT nêu rõ: Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT. Điều này có nghĩa, nếu như năm 2018, đề thi THPT Quốc gia nằm trong chương trình lớp 11 và 12 thì năm 2019, đề thi sẽ bao phủ toàn bộ chương trình 3 lớp 10, 11 và 12, trong đó chủ yếu, căn bản là nội dung chương trình lớp 12.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy trình tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 chỉ tập trung vào những người tổ chức thi. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần triển khai kế hoạch năm học theo đúng quy định, trong đó tập trung vào việc giảng dạy giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt nhất để bước vào kỳ thi theo định hướng đã triển khai. Còn các em học sinh hoàn toàn yên tâm học tập theo chương trình hiện hành dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo.
Sẽ không còn “2 trong 1”
Tại phiên giải trình việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, vẫn duy trì Kỳ thi THPT Quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. Từ năm 2019, đề thi sẽ chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát yêu cầu của THPT. Đề thi sẽ không phải phục vụ mục đích “2 trong 1” mà để đánh giá học sinh THPT, nhưng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó các trường đại học, cao đẳng sử dụng hoặc sử dụng các phương thức khác tuyển sinh.
Ngoài ra, để những sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình không còn xảy ra, Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT quyết định sẽ không để cán bộ địa phương tham gia chấm thi cho học sinh tỉnh mình, tăng cường tính bảo mật, mã hóa dữ liệu chấm thi...
Những băn khoăn về khâu chấm thi
Sau sự việc gian lận tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 được phát hiện, khâu chấm thi đã nhận được sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và cả cộng đồng. Để quyết định phương án chính thức cho khâu chấm thi năm 2019, Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến về việc này. Theo ghi nhận ban đầu, phương án tổ chức chấm chéo giữa các địa phương, không để giáo viên chấm bài của học sinh tỉnh mình đang nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ sở GD&ĐT. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo lắng về nguy cơ các địa phương có thể “bắt tay nhau” để nâng kết quả thi như đã từng xảy ra tại 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long những năm trước.
Cũng có ý kiến cho rằng, nên duy trì cách thức tổ chức thi như hiện tại nhưng giao cho các trường đại học chủ trì khâu chấm thi, Bộ GD&ĐT và lực lượng an ninh sẽ giám sát việc này. Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều sử dụng kết quả thi THPT để làm căn cứ xét tuyển đầu vào. Vì vậy, đây vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để các trường phải làm nghiêm túc vì mục tiêu chất lượng và uy tín của chính mình.
Được biết, hiện Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để chốt phương án cụ thể cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.