Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra trong báo cáo giải trình với cử tri về chương trình và sách giáo khoa mới, một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận trong suốt thời gian qua.
Theo Bộ GD&ĐT, cùng với việc xác định đúng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên thì giảm tải chính là một trong những điểm nhấn trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Trong đó, việc giảm tải được thể hiện ở các điểm như giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ động, sáng tạo lựa chọn phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học, đánh giá học sinh. Phân tích cụ thể ở chương trình GDPT mới cho thấy, ở bậc tiểu học có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5 trong khi đó, chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5.
Tương tự, ở bậc THCS, các lớp đều có 12 môn học trong khi chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Đến cấp THPT, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học trong khi chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Về thời lượng, ở bậc tiểu học sắp tới học sinh sẽ học chương trình với 2.838 giờ, còn chương trình hiện hành là 2.353 giờ. Ở bậc THCS, học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành. Ở bậc THPT, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành.
Về sách giáo khoa (SGK) mới, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn SGK quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT; tổ chức thẩm định SGK (gồm cả bộ SGK do Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và các SGK khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng sách SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Đặc biệt, theo định hướng tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, sau khi biên soạn, bộ SGK do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng. Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK (sách in) do Bộ chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK. Khi biên soạn SGK mới, Bộ sẽ yêu cầu các NXB tham gia làm SGK và các sở hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Về lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền khi có nhiều SGK, Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông; trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.
.