(Congannghean.vn)-Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hầu hết các trường tiểu học đều dạy học 2 buổi/ngày. Qua một thời gian dài triển khai và áp dụng, không thể phủ nhận những lợi ích, hiệu quả của mô hình này mang lại. Tuy nhiên, năm học 2018 - 2019, do thiếu giáo viên và do chưa có văn bản cụ thể quy định về thu - chi dẫn đến chưa có kinh phí hỗ trợ cho các thầy cô nên việc tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày tại tỉnh Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn.
Trường Tiểu học Kim Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương vẫn tiến hành tổ chức dạy phụ đạo hoàn toàn miễn phí cho các em trong các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ chiều thứ 4) |
Hiệu quả của mô hình học 2 buổi/ngày
Từ lâu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có chủ trương, văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú ở bậc tiểu học. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, các năm học trước, cả nước có gần 62,45% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tại Nghệ An, từ năm học 1995 - 1996, một số trường học trên địa bàn đã tổ chức học 2 buổi/ngày. Đến năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 98,8% học sinh tiểu học được tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày theo 2 mức độ: 35 tiết/tuần đối với vùng thuận lợi, 30 tiết/tuần đối với vùng khó khăn.
Liên quan đến việc dạy học 2 buổi/ngày, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1517 /QĐ-UBND ngày 20/4/2015 để hướng dẫn thực hiện. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được ngành GD&ĐT chỉ đạo theo nguyên tắc: Tự nguyện tham gia học và đóng góp kinh phí, tự thỏa thuận về mức đóng góp đảm bảo thu đủ bù chi (hướng dẫn thu chi từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018).
Khi học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, các em không còn bị “nhồi nhét” kiến thức trong 1 buổi học; ngoài được học các kiến thức theo khung chương trình theo quy định của ngành, học sinh còn được học thêm các môn: Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống, ngoại khóa… Nhờ đó đã phần nào khắc phục, giảm thiểu được tình trạng dạy thêm, học thêm và chất lượng giáo dục kỹ năng sống được nâng lên rõ rệt. Mặt khác, với thời khóa biểu học 2 buổi/ngày, học sinh bán trú được nghỉ trưa ở trường sẽ có nhiều thời gian phục hồi sức khỏe hơn; tạo sự yên tâm cho phụ huynh, đỡ lo lắng, vất vả trong việc trông nom, quản lý và đưa đón con em mình sau mỗi giờ tan học… Ngoài ra, các trường tiểu học có điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo…, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Tạm dừng dạy học buổi thứ 2 và cắt giảm số tiết do thiếu giáo viên
Theo số liệu thống kê, hiện bậc tiểu học trên toàn tỉnh thiếu hơn 2.000 giáo viên. Được biết, năm học này, để khắc phục những khó khăn tại các trường thiếu định biên giáo viên/lớp dạy 2 buổi/ngày, tại Công văn số 1565/SGD&ĐT-GDTH ngày 17/8/2018, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện theo 2 mô hình là mô hình 30 tiết/tuần (8 buổi/tuần, không quá 7 tiết/ngày) và mô hình 33 tiết/tuần (9 buổi/tuần, không quá 7 tiết/ngày). Trong đó, mô hình 30 tiết/tuần được áp dụng cho vùng bãi ngang, vùng đặc biệt khó khăn; mô hình 33 tiết/tuần áp dụng cho những địa bàn còn lại. Thực hiện chủ trương trên, nhiều trường vẫn duy trì những tiết học văn hóa như Tiếng Việt, Ngoại ngữ, kỹ năng sống… và giảm số tiết tập trung vào các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, hướng dẫn tự học...
Năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Kim Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương có 5 điểm trường (điểm trường bản Kim Lâm, bản Thái Lâm, bản Chà Coong 1, bản Chà Coong 2 và bản Hòa Sơn), có 27 lớp ở 5 khối học với 487 học sinh. Trao đổi với phóng viên, cô Đặng Thị Miên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm học trước, nhà trường cũng thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày. Song năm học này, do chưa có chủ trương nên nhà trường chỉ tổ chức dạy và học 1 buổi/ngày. Tuy nhiên, do học lực hầu hết các em học sinh đang còn yếu nên các thầy cô ở đây vẫn tiến hành tổ chức dạy phụ đạo hoàn toàn miễn phí cho các em trong các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ chiều thứ 4). “Do đặc thù là vùng tái định cư, các cháu đi lại khó khăn, vất vả, nếu không dạy học 2 buổi/ngày thì các em học sinh ở đây vào buổi chiều sẽ không có ai quản lý khi bố mẹ đi làm nương rẫy”, cô Miên cho biết thêm.
… và không có kinh phí chi trả cho giáo viên
Theo thống kê, các năm học trước, số học sinh học 2 buổi/ngày bằng đóng góp xã hội hóa là khoảng 224.559 em/249.150 em. Tổng kinh phí huy động từ nguồn đóng góp của phụ huynh là 134,8 tỉ đồng. Kinh phí thu được đảm bảo chi trả mức lương tối thiểu cho giáo viên dạy tăng tiết, giáo viên hợp đồng… Tuy nhiên, việc huy động kinh phí cho việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày đang gặp nhiều khó khăn vì đến thời điểm này, mặc dù năm học mới đã bắt đầu hơn 1 tháng, song UBND tỉnh vẫn đang chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện Quyết định 1517/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 và tỉnh cũng chưa ban hành hướng dẫn thay thế.
Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, TP Vinh năm học 2018 - 2019 có 1.577 em học sinh (tăng 5 lớp so với năm học 2017 - 2018). Năm học này, nhà trường có 50 giáo viên, trong đó có 49 giáo viên biên chế và 1 giáo viên hợp đồng, định mức giáo viên chỉ khoảng 1,05 giáo viên/lớp. Hiện, nhà trường vẫn duy trì dạy và học 2 buổi/ngày và lựa chọn mô hình 33 tiết/tuần theo kế hoạch của Phòng GD&ĐT TP Vinh. Do chưa có văn bản hướng dẫn thu - chi từ cấp trên nên nhà trường chưa thực hiện được việc chi trả cho giáo viên dạy và học 2 buổi/ngày.
“Hiện tại, lãnh đạo nhà trường đã thống nhất với các giáo viên dạy học sinh bằng tâm huyết, trách nhiệm và lòng yêu nghề, đến lúc nào có văn bản hướng dẫn thu - chi thì nhà trường sẽ tiến hành triển khai, kịp thời đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên”, cô Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 chia sẻ.
Được biết, hầu hết các cơ sở giáo dục đều muốn duy trì tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và điều này cũng phù hợp với nguyện vọng của tất cả phụ huynh học sinh, giảm thiểu được tình trạng dạy học thêm trái phép đang diễn biến tràn lan, phức tạp, giảm sự chênh lệch chất lượng giữa các vùng miền. Qua đó, tích cực góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc tiểu học. Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên và các em học sinh, UBND tỉnh sớm có quyết định hướng dẫn thu - chi về dạy học 2 buổi/ngày, bố trí ngân sách hoặc có cơ chế hỗ trợ một phần cho các nhà trường.