(Congannghean.vn)-Theo trào lưu, hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội rất phổ biến với mọi người. Thế nhưng, một vấn đề đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh đang bị lún sâu vào “thế giới ảo”, gây ra những tác động xấu, làm băng hoại giá trị đạo đức tốt đẹp.
Chia sẻ clip chửi tục bằng nhạc ráp lên mạng xã hội, em Đặng Lâm Q.D., học sinh Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bị nhận nhiều chỉ trích (ảnh cắt từ clip) |
Dư luận xã hội hẳn chưa quên vụ tung tin vỡ đập thủy điện tại 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An xảy ra cách đây không lâu. Theo đó, thấy nước sông dâng cao ngập nhà dân và nhiều người di tản lên núi tránh lũ, Lữ Chính Quyền (SN 1989) và Hà Văn Mười (SN 1996) trú tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa nghĩ đã xảy ra vỡ đập thủy điện nên liền đăng tải lên trang facebook cá nhân thông tin “vỡ đập thủy điện Trung Sơn” để “câu like”.
Tối 31/8/2018, Công an huyện Quan Hóa đã triệu tập 2 đối tượng để làm rõ hành vi tung tin thất thiệt lên mạng xã hội. Cơ quan Công an khẳng định, đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, nhất là đối với người dân vùng hạ nguồn của thủy điện. Trên tại cơ quan điều tra, cả 2 khai nhận, do thấy mực nước lên cao và nhiều người di tản lên núi; đồng thời, nghe tiếng còi báo động kéo dài, nghĩ xảy ra vỡ đập thật nên cả 2 đã đăng tải thông tin lên trang facebook cá nhân để “câu like”.
Cũng trong thời điểm này, tại huyện Tương Dương, Công an đã triệu tập nhóm thanh niên tung tin thất thiệt vỡ đập thủy điện Bản Vẽ, khiến hàng nghìn người dân hoảng loạn, tháo chạy lên núi cao để tránh lũ. Theo đó, sáng 31/8, mực nước trên các sông dâng cao khi Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng lớn. Vào thời điểm này, một số đối tượng đã đăng tải thông tin thủy điện bị vỡ khiến người dân tại 2 huyện Tương Dương, Con Cuông hoang mang, tháo chạy.
Công an huyện Tương Dương sau khi điều tra đã triệu tập nhóm 6 thanh niên, gồm: Vũ Văn Phúc (30 tuổi) Nguyễn Quang Trung (27 tuổi), Vi Thanh Định (21 tuổi), Lô Bảo Ngọc (19 tuổi), Phan Thị Trân (36 tuổi), Phan Duy Tùng (31 tuổi) để làm rõ. Tại cơ quan điều tra, nhóm thanh niên đã thừa nhận hành vi của mình, cho rằng bản thân thiếu hiểu biết pháp luật, đồng thời thích “câu like” nên đã đăng tải thông tin vỡ đập lên facebook.
Học sinh được phép bày tỏ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, phải thể hiện trên môi trường văn hóa, tôn trọng chuẩn mực, ứng xử văn hóa, thể hiện tài năng cá nhân vào đúng việc, đúng lúc…Đó là quan điểm của Sở GD &ĐT tỉnh Lâm Đồng trước việc em Đặng Lâm Q.D., học sinh Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc chửi tục bằng nhạc ráp trên mạng xã hội vào ngày 4/9. Ngay sau khi nắm thông tin, nhà trường đã thông báo cho gia đình xác minh vụ việc. Học sinh này thừa nhận chính mình đã gửi clip đó lên trang Youtube. Nhà trường đã tạm thời đình chỉ học tập của nam sinh này, đồng thời tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định.
Thực tế, tại các trường học, mặc dù học sinh đã được tuyên truyền, nhắc nhở, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận học sinh có hành vi thiếu chuẩn mực khi sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, việc định hướng, kiểm soát của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, nhất là HSSV là vô cùng quan trọng. Ngoài việc tuyên truyền, tăng cường giáo dục, các đơn vị trường học và các địa phương cần có kế hoạch theo dõi, kiểm tra việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là mạng facebook của học sinh để kịp thời phát hiện biểu hiện lệch lạc, gây tác hại xấu đến môi trường giáo dục và xã hội, từ đó có biện pháp giáo dục…