Văn hóa - Giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Đã chuẩn bị công phu chương trình GDPT mới
10:22, 07/09/2018 (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là một trong những nhiệm vụ rất trọng tâm đã được ngành giáo dục thực hiện công phu, bài bản từ năm 2015. Chương trình tổng thể, Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục sau một thời gian xây dựng và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và sẽ sớm được ban hành bảo đảm chất lượng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, vì vậy, đội ngũ giáo viên cũng phải chuyển mình. Nếu giáo viên không được bồi dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, rủi ro sẽ rất cao.
Về cơ sở vật chất trường lớp, nhất là với lớp 1 phải bảo đảm dạy và học được 2 buổi/ngày mới giảm tải được. Nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa đảm bảo 2 buổi/ngày. Đây cũng là một khó khăn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trên thực tế, 2 điều kiện là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất Bộ đều không quyết định trực tiếp được.
Về giáo viên, Bộ GD&ĐT phải làm việc với Bộ Nội vụ. Tình trạng thiếu thừa giáo viên chưa được giải quyết, cộng thêm chế độ đãi ngộ với giáo viên còn hạn chế nên động lực để các thầy cô đổi mới rất khó khăn. Điều này Chính phủ cũng biết và chúng ta sẽ phải đợi trong Đề án cải cách chính sách tiền lương tới đây.
Về cơ sở vật chất, phần nhiều phụ thuộc vào Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ GD&ĐT đang cùng các bộ liên quan tìm phương án giải quyết, tuy nhiên, theo phân cấp, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất lại là các địa phương, nên rất cần cả sự đồng thuận và vào cuộc của các địa phương.
Thành bại của giáo dục là ở đội ngũ giáo viên
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc phát triển đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thành bại của đổi mới giáo dục là ở nhiệm vụ này. Trong năm học 2018-2019, Bộ vẫn tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, Bộ đã ban hành Thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng. Đây là bước tiến rất lớn. Vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên cũng như đội ngũ quản lý giáo dục thì việc đầu tiên là phải sửa các chuẩn, tránh tình trạng hiện nay một số địa phương cứ nói rằng, thừa chuẩn, vượt chuẩn nhưng chuẩn đó chưa phản ánh đúng yêu cầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, tiến hành khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến góp ý của đội ngũ giáo viên qua nhiều vòng để ban hành được các chuẩn này. Bước đầu, sau khi ban hành, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục đã rất quan tâm theo hướng tự soi, tự sửa để tự học, tự phát triển. Ngành sẽ có chương trình bồi dưỡng, hỗ trợ họ. Năm học mới, căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, căn cứ vào các chuẩn giáo viên và hiệu trưởng, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ này, chú trọng kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Cố gắng không để thiếu lớp và thiếu giáo viên
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ rất quan tâm đến các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học. Trong phiên họp vừa rồi, Thủ tướng đã nhấn mạnh trong năm học mới, ngành giáo dục cố gắng không để thiếu lớp học và thiếu giáo viên.
Thực ra, vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương tồn tại nhiều năm nay. Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết vấn đề này. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải tính toán để bảo đảm số giáo viên cho các lớp học theo định biên, quy định của ngành.
Thủ tướng cũng chỉ đạo rất quyết liệt trong việc bảo đảm kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt các vùng khó khăn, vùng núi và những vùng gần đây bị bão lũ. Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng, Đề án này sẽ sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần quan trọng nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học.
Với giáo dục đại học, theo Bộ trưởng Nhạ, nhiệm vụ của Bộ là sẽ tập trung thực hiện trong năm học này đẩy mạnh tự chủ. 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ sau 3 năm cho thấy kết quả tốt. Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng và đã trình Chính phủ Nghị định về tự chủ đại học. Đồng thời, cùng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, trình Quốc hội thông qua trong kì họp tới đây. Đẩy mạnh tự chủ đại học để nhờ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng.
Nguồn: Chinhphu.vn