Văn hóa - Giáo dục
Khắc khoải ngày về đất Mẹ…
(Congannghean.vn)-Thầm lặng, cần mẫn trong suốt hàng chục năm qua, những cán bộ Đội Quy tập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã không quản gian nan, vất vả đưa các anh, những thế hệ bộ đội cụ Hồ Việt Nam từng chiến đấu, hy sinh tại chiến trường nước bạn Lào về đất Mẹ. Trong các chuyến đi quên ngày quên tháng ấy, những câu chuyện đẹp về tình hữu nghị Việt - Lào, về tình quân dân, tình đồng chí cứ thấm đẫm, nối dài qua chiều dài biên giới...
Việc quy tập hài cốt liệt sỹ tại nước bạn |
Sự hối thúc từ tâm thức
Cuộc trao đổi giữa Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Đội trưởng Đội Quy tập; Trung tá Phạm Xuân Tám, chính trị viên và phóng viên liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại hỏi han. Vừa trở về, tham gia tổng kết chiến dịch quy tập mộ liệt sỹ trong mùa khô 2017 - 2018, các anh cùng đồng đội lại tất bật xây dựng, chuẩn bị kế hoạch cho chuyến hành quân mới, mùa khô 2018 - 2019. Riêng trong mùa khô 2017 - 2018, Đội Quy tập đã đưa 98 hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh tại Lào về với đất Mẹ, vượt 120% kế hoạch đề ra. Đó là kết quả của những chuyến đi vất vả xuyên rừng, của những lần đánh cược với thời tiết những ngày núi rừng Lào mưa liên hồi, giăng mắc, của sự hy sinh được đánh đổi bằng máu, nước mắt…
Thượng tá Nguyễn Văn Nam mới chuyển về công tác Đội Quy tập tròn 2 năm có lẻ. Trước đây, anh công tác tại Văn phòng của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, còn Trung tá Phạm Xuân Tám lại có thời gian gắn bó với công tác quy tập nhiều hơn. Thế nhưng, với các anh, mỗi lần hành quân là những chuyến đi hoàn toàn mới, với những thử thách khác biệt. Mùa khô 2017 - 2018, Đội Quy tập được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng tìm kiếm, cất bốc, di chuyển 80 phần mộ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên địa bàn 3 tỉnh: Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xay Xẳm Pun, nước CHDCND Lào. Riêng trong 98 hài cốt mà Đội tìm thấy, có 12 hài cốt có họ tên, chưa biết quê quán. 1 trường hợp hài cốt hoàn toàn trùng khớp với thông tin đơn vị cung cấp cho gia đình - trường hợp liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng, quê tại huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Kể lại trường hợp của liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng, Thượng tá Nguyễn Văn Nam không giấu sự xúc động trào dâng. Chưa bao giờ trong cuộc đời quân ngũ, anh chứng kiến sự hội ngộ xúc động đến như vậy. Liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng hy sinh năm 1970 tại chiến trường Lào, khi người con gái mới cất tiếng khóc chào đời. Đằng đẵng suốt 48 năm, gia đình, vợ con luôn đau đáu nhiều lần đi tìm hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng.
Viên gạch khắc chữ “Quảng” trên phần mộ liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng |
Dấu chân của chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, người con gái duy nhất của ông, đã in dấu khắp các chiến trường trong niềm hy vọng mong manh duy nhất, được đưa ông về với quê hương, dòng tộc, với hơi ấm của gia đình. Thế nhưng, những thông tin ít ỏi chẳng thế giúp chị thoả niềm mong ước. Những dịp 27/7, trái tim chị lại nặng trĩu nỗi niềm được đưa bố đoàn tụ với đất Mẹ.
Trong lúc đó, quá trình ở cơ sở tại tỉnh Xay Xẳm Pun, cuối năm 2017, Đội quy tập được người dân bản địa cho biết thông tin, trong khu vực gần nhà dân ở có một nghĩa trang. Tại đây, theo như mọi người truyền lại, có 7 hài cốt của bộ đội quân Việt Nam. Tiến hành khai quật, anh Hưng và đồng đội tìm thấy 6 hài cốt nguyên vẹn. Riêng bộ hài cốt còn lại phải thu thập từ nhiều vị trí trong nghĩa trang, trong đó có 1 viên gạch khắc chữ “Quảng”.
Khi cán bộ Đội Quy tập đưa các hài cốt về cơ sở để thắp hương, làm lễ cũng là lúc chị Nhung và một số đồng đội cũ của bố mình tìm đến. Sự trùng hợp không dừng lại ở đó, ngay khi các anh làm lễ, chú ruột chị Nhung - em của liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng bằng linh tính của mình, đã khẳng định chắc chắn đó chính là hài cốt của người anh mà gia đình đã đằng đẵng tìm suốt hàng chục năm qua. Vị trí tọa độ trong sơ đồ của đồng đội cũ của liệt sỹ Quảng cũng hoàn toàn trùng khớp với ngôi mộ hiện tại mà các cán bộ Đội Quy tập tìm thấy.
Vậy là sau bao nhiêu thập kỷ, chị Nhung đã được ôm vào lòng những di vật còn sót lại của bố mình, được trở về chiến trường nơi in dấu bao chiến tích oai hùng mà liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng, bố của chị chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Sau khi thắp nén hương thơm lên anh linh của bố và các đồng đội cũ của ông, chị Nhung cùng các cán bộ trong Đội Quy tập cũng đã đến các gia đình tại bản để cảm ơn, tri ân. Suốt bao nhiêu năm, chính các mẹ, các chị, những người dân nước bạn Lào đã che chở, yêu thương, đùm bọc cho liệt sỹ Quảng, cho hàng triệu quân và dân tình nguyện Việt Nam có được hơi ấm, tình yêu thương như ruột thịt. Sau này, được sự tạo điều kiện của UBND tỉnh Nghệ An, chị Nhung và gia đình cũng đã đưa bố về truy điệu, an táng tại nghĩa trang quê nhà tại tỉnh Ninh Bình.
Trung tá Phạm Xuân Tám cho biết: Quá trình làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, đơn vị đã thực hiện phương châm 4 cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Lào” để hòa nhập và hiểu biết về phong tục tập quán, nắm chắc tình hình ANTT của từng địa bàn. Đồng thời, phát huy tinh thần “bộ đội của nhân dân”, các anh đã dành nhiều thời gian trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ để giúp dân bản thu hoạch mùa màng, thăm khám và điều trị bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Từ đó, làm tốt công tác dân vận vừa tích cực tuyên truyền, vận động người dân nước bạn cung cấp thông tin, tham gia dẫn đường, chỉ mộ. Rất nhiều thông tin có giá trị của người dân nước bạn đã chỉ dẫn quan trọng để Đội Quy tập thực hiện nhiệm vụ quy tập.
Chạy đua với thời gian
Để tìm và xác định hài cốt của quân và dân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phải dựa trên nhiều nguồn thông tin. Trong đó, những nội dung trao đổi của nhân dân nước bạn là chìa khóa quan trọng để các cán bộ Đội Quy tập lần tìm nhiều manh mối quan trọng để tìm kiếm thành công. Trên thực tế, đã có hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ đã được đưa về quê hương, đoàn tụ với đồng đội nhờ những chi tiết nhỏ nhoi trong trí nhớ của người dân bản địa.
Thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, các cán bộ, chiến sỹ đã tạo dựng niềm tin, nhân lên tình yêu thương trong người dân bản địa. Từ đó, họ giúp đỡ, sẻ chia và đồng hành trong suốt chặng đường vất vả vượt đèo lội suối, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau. Để tạo thuận lợi cho mỗi lần làm nhiệm vụ, các cán bộ sẽ phải học tiếng Lào trước, đồng thời người mới sang sẽ được các cán bộ lâu năm hướng dẫn, kèm cặp.
Từ khi thành lập (năm 1984) đến nay, Đội Quy tập được giao nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt của quân và dân tình nguyện Việt Nam tại 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xay Xẳm Pun, nước CHDCND Lào. Đã có 12.000 hài cốt được tìm kiếm và đưa trở về an táng tại Việt Nam. Tổng hợp nhiều nguồn thông tin, Đội xác định đang còn khoảng 3.000 hài cốt cần tìm kiếm, cất bốc.
Hiện nay, công tác Quy tập gặp khá nhiều khó khăn. Một mặt, số mộ liệt sỹ còn lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, nhiều vị trí mai táng liệt sỹ do thời gian quá lâu, địa hình, địa vật thay đổi quá nhiều. Trong khi một số người dân biết về thông tin mộ đã quá già, yếu hoặc chuyển sang địa phương khác sinh sống; phương tiện và cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ lại còn nhiều khó khăn. Nhiều lần, để nắm được thông tin, đơn vị phải cơ động hàng nghìn km, đến các địa phương xa xôi của nước bạn để vận động, như các huyện Xa La Kham, Mường Phương, Mường Mun… của tỉnh Viêng Chăn và một số tỉnh khác giáp biên giới Thái Lan để xác minh. Lại có những thông tin, các cán bộ phải tìm cách liên lạc qua Thái Lan, Mỹ do những người biết thông tin đã chuyển ra định cư ở nước ngoài…
“Dựa vào điều kiện thời tiết của nước bạn với 2 mùa khô, mùa mưa rõ rệt, ta xác định thời điểm thích hợp để thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập. Tuy nhiên, chúng tôi đang nghiên cứu để tranh thủ làm việc với thời gian nhiều hơn, vì với những tác động, thay đổi khắc nghiệt của thiên tai sẽ gây rất nhiều khó khăn cho quá trình xác định, cất bốc hài cốt liệt sỹ”, Thượng tá Nguyễn Văn Nam cho biết thêm.
Và để chạy đua với thời gian, các cán bộ Đội Quy tập lại tranh thủ từng phút giây hiếm hoi bên gia đình, cần mẫn, tỉ mỉ khâu nối, tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin để hoàn thành tâm niệm được thôi thúc từ hàng chục năm qua: Đưa các anh, những người đã dành tuổi thanh xuân đóng góp cho hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam và nước bạn Lào, được đoàn tụ với dòng tộc, đất nước, được trở về trong vòng tay yêu thương ấm áp của đất Mẹ. Đất Mẹ ngàn đời vẫn đang ngóng chờ từng ngày, đón chờ phút giây gặp gỡ những người con ưu tú của quê hương.
Mai Hậu