Văn hóa - Giáo dục

Hơn 23 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học 2018-2019

08:29, 05/09/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Hôm nay 5-9, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên chính thức bước vào năm học mới 2018-2019.

Lễ Khai giảng năm học 2018-2019 được tổ chức thống nhất trên cả nước vào buổi sáng 5/9/2018. Chương trình khai giảng ngắn gọn, hướng đến học sinh, sinh viên, đảm bảo trang nghiêm. Đối với cấp học Mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Bộ GD-ĐT lưu ý, việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả  để tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Chu Văn An

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Chu Văn An.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Chu Văn An.
Chủ tịch nước dâng hoa tại tượng đài danh sư Chu Văn An.
Chủ tịch nước dâng hoa tại tượng đài danh sư Chu Văn An.
Cô trò Trường THCS Chu Văn An trong ngày Khai giảng.
Cô trò Trường THCS Chu Văn An trong ngày Khai giảng.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An trong ngày khai giảng.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An trong ngày khai giảng.

* Tại Hà Nội, theo Sở GD - ĐT Hà Nội, Sở đã có văn bản hướng dẫn khai giảng năm học mới và tổ chức một số hoạt động đầu năm học. Theo đó, lễ khai giảng năm học mới năm nay trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra trong vòng 1 giờ, từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30.

Sở cũng yêu cầu nội dung lễ khai giảng chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.

Đối với cấp học mầm non, Sở GD-ĐT yêu cầu tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo về thời lượng, nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt cho trẻ trong ngày đầu tiên của năm học mới.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, chuẩn bị cho năm học mới, các quận, huyện, thị xã đã xây mới được 74 trường học (trong đó có 29 trường được thành lập mới) bổ sung thêm 1.579 phòng học. Toàn thành phố cũng đa cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp.

Bên cạnh đó, 100% cán bộ quản lý và giáo viên các ngành học, cấp học được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy trước khi vào năm học mới. Ngành GD-ĐT Thủ đô đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để có được đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của năm học mới 2018-2019.

Lễ Khai giảng tại Trường Tiểu học Kim Liên, Hà Nội:

Lễ khai giảng tại Trường THCS Lý Thường Kiệt, Hà Nội:

Một số trường vùng lũ không thể khai giảng

Lễ khai giảng năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương vừa trải qua mưa lũ nặng nề, bởi vậy, có nhiều trường không thể tiến hành lễ khai giảng, hoặc có nhiều trường khai giảng xong các em lại tiếp tục phải nghỉ học để sửa chữa lại trường lớp, khôi phục cơ sở vật chất, môi trường của cơ sở giáo dục...

Như tại Thanh Hoá, đợt mưa lũ cuối tháng 8, đầu tháng 9/2018 đã khiến nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chìm trong biển nước. Theo báo cáo của ngành giáo dục Thanh Hóa, có 13 điểm trường trong toàn tỉnh bị ngập lụt, 6 điểm trường bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, 2 nhà bán trú cho học sinh bị vùi lấp.

Hay tại Yên Bái, khi năm học 2018-2019 bắt đầu, cơ sở vật chất của một số điểm trường đã bị mưa lũ làm hư hỏng. Ở nhiều khu vực, các em học sinh vùng cao khai giảng trong tình trạng thiếu đồ dùng học tập, giao thông bị chia cắt, đi lại rất khó khăn…

Tại tỉnh Sơn La, hiện tại nhiều địa phương vẫn đang bị chia cắt do nước lũ, khiến cho việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là huyện Mai Sơn là địa phương có nhiều trường học bị thiệt hại nặng nề trong những ngày mưa lũ vừa qua.

Trường PTDTBT THCS Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn bị ngập bùn trước ngày khai giảng.
Trường PTDTBT THCS Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn bị ngập bùn trước ngày khai giảng.

Theo báo cáo chiều 4/9, tổng số trường không thể khai giảng vào ngày 5/9 trong toàn quốc là 4 trường (Thanh Hóa 3, Nghệ An 1). Cụ thể, 3 trường ở huyện Mường Lát (Thanh Hoá) dự kiến lùi lễ khai giảng đến ngày 8/9 là: Mầm non Mường Chanh, Tiểu học Mường Chanh và THCS Mường Chanh do địa bàn chia cắt, học sinh không thể đến trường. Còn tại Nghệ An là trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Con Cuông, với khoảng 300 học sinh.

Cũng tại Thanh Hoá, có 3 trường phải đi khai giảng nhờ, gồm trường Tiểu học Trung Sơn; THCS Phú Xuân; Mầm non Thành Sơn (huyện Quan Hóa).

Còn tại tỉnh Hoà Bình, có 20 em học sinh ở xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu phải thực hiện khai giảng tại xóm trong xã, không đến được điểm trung tâm để khai giảng, do đường giao thông chưa thông tuyến...

5 phương hướng chung để nâng cao chất lượng đào tạo

Trong năm học này, toàn ngành Giáo dục  đưa ra 5 phương hướng chung để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Đối với cấp giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Với hệ thống giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Ở bậc giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Hệ thống giáo dục thường xuyên tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc học tập của người lớn.

Cả nước khai giảng trong nắng ráo

Hôm nay, các tỉnh Bắc Bộ có thời tiết ngày nắng, có nơi nắng nóng. Nhiệt độ cao nhất dao động từ 32-35 độ, có nơi trên 35 độ.

Thủ đô Hà Nội trong ngày khai giảng năm học thời tiết khá thuận lợi, mưa chỉ còn xuất hiện vào ban đêm, ngày nắng. Nhiệt độ cao nhất ở mức 35 độ C.

Đi dọc vào Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đến Bình Thuận, ban ngày tiết trời khá nắng nóng, nhiệt độ duy trì mức 33 – 36 độ, có nơi trên 36 độ C.

Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa nhưng chủ yếu xảy ra về chiều và đêm. Trong buổi sáng khai giảng, hai khu vực này trời tạnh ráo, nắng vừa phải. Nhiệt độ cao nhất ở Tây Nguyên không vượt quá 31 độ, Nam Bộ không quá 33 độ.

 

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác