Văn hóa - Giáo dục
Nghệ An: Hạ điểm sàn, nhiều ngành không tuyển đủ sinh viên
(Congannghean.vn)-Năm 2018 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao cho các trường đại học (ĐH) tự chủ trong việc xây dựng phương thức xét tuyển để tuyển sinh. Tuy điều này tạo thuận lợi hơn cho các trường “top” đầu nhưng lại đặt ra khó khăn, thách thức cho các trường “top” giữa, khi nhiều ngành nghề không tuyển đủ sinh viên, thậm chí không có thí sinh đăng ký.
Thí sinh đăng ký nhập học vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh |
Điểm sàn hạ thấp
Đến thời điểm hiện tại, thời gian để các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ bằng hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp bằng phiếu đã kết thúc (ngày 28/7). Theo phổ điểm Kỳ thi THPT Quốc gia và dự kiến của một số trường cho thấy, điểm chuẩn của nhiều trường/ngành năm nay sẽ thấp hơn năm 2017 khoảng 2 - 4 điểm.
Thực tế, không ít thí sinh có điểm thi thấp băn khoăn về cơ hội trúng tuyển vào những trường đang dự kiến mức điểm sàn thấp. Theo suy nghĩ của nhiều thí sinh, trường có điểm sàn thấp thì chất lượng đào tạo cũng sẽ thấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho rằng, mức điểm chuẩn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường/ngành, yêu cầu chất lượng nguồn tuyển... Vì vậy, ngưỡng điểm sàn mà các trường công bố chỉ là mức điểm nhận hồ sơ, còn quy trình xét tuyển phải tuân theo nguyên tắc chung là xét từ mức điểm cao đến điểm thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Ghi nhận chung trên địa bàn Nghệ An, mức điểm sàn vào nhiều trường/ngành có chiều hướng giảm. Hầu hết, ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào của các trường ĐH giao động từ 13,5 - 14 điểm, riêng Trường ĐH Y khoa Vinh tuy điểm xét tuyển đầu vào “nhỉnh” hơn nhưng có ngành cũng chỉ lấy điểm xét tuyển là 15 điểm. Ông Phạm Hữu Truyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết, mức điểm sàn của Trường năm nay là 14 điểm và dự báo mức điểm chuẩn các ngành cũng sẽ thấp hơn năm trước. Tương tự năm nay, Trường ĐH Vinh tuyển 5.250 chỉ tiêu/52 ngành nghề khác nhau. Hiện, điểm ngưỡng xét tuyển thấp nhất của trường là 13,5 điểm và cao nhất là 18 điểm. Đặc biệt, ngành Sư phạm năm nay cũng giữ mức khá ổn định khi ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào là 17 điểm.
Nhiều ngành nghề không có thí sinh
Sau khi kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng cuối cùng vào ngày 28/7 vừa qua, cả nước có 304.494 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH. Theo thống kê từ Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, khối ngành kinh doanh và quản lý có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhiều nhất năm nay với 739.040 nguyện vọng. Riêng đối với khối ngành Sư phạm, tổng số nguyện vọng đăng ký là 125.269, trong đó số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 43.928.
Tại Nghệ An, tuy điểm xét tuyển đã hạ xuống khá thấp và các trường đều có nhiều hình thức xét tuyển nhưng nhiều ngành, nghề ở một số trường ĐH có ít, thậm chí một số ngành, nghề không có thí sinh đăng ký.
Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế Nghệ An, ngành Lâm nghiệp - Trồng trọt nhiều năm trở lại đây không tuyển sinh được vì không có thí sinh đăng ký. Một số ngành từng “hot” như Kế toán, Quản trị kinh doanh nay cũng chỉ tuyển sinh được 1 lớp. Hay như khối ngành Nông - Lâm - Ngư của Trường ĐH Vinh, mặc dù được nhà trường có chính sách miễn giảm học phí, giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp và ưu tiên chỗ ở trong ký túc xá nhưng cũng có rất ít thí sinh đăng ký nguyện vọng. Vài năm trở lại đây, số lượng thí sinh nhập học vào Trường thấp hơn chỉ tiêu khoảng 20%.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh tuyển 1.500 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo, điểm chuẩn cao nhất là ngành Sư phạm Công nghệ với 21 điểm (điểm xét tuyển theo kết quả học tập THPT) và 17 điểm (điểm xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia); Công nghệ ôtô, cơ khí với 14 điểm (xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia) và 18 điểm (xét tuyển theo kết quả học tập THPT). Mặc dù điểm xét tuyển đã hạ xuống từ 13,5 - 14 điểm (theo kết quả thi THPT Quốc gia) nhưng nhà trường mới tuyển sinh được 350 em. Hiện, 350 em này đã tiến hành nhập học vào ngày 25/7 và nhà trường vẫn tiếp tục tuyển sinh.
Thu Thủy