Văn hóa - Giáo dục

Sự cố điểm thi

09:01, 28/07/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong những tuần vừa qua, một trong những sự kiện được dư luận quan tâm nhất chính là kỳ thi THPT Quốc gia.
 
Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm số của thí sinh toàn quốc, dư luận đã chú ý, bắt đầu từ sự ngạc nhiên bởi điểm số của một số tỉnh miền núi, nơi vẫn còn rất nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, dân trí và nhiều năm nay trình độ của thí sinh chưa cao, bất ngờ đạt kết quả rất cao. 
 
Sau bất ngờ, cũng rất nhanh chóng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục bắt đầu tìm hiểu phân tích kỹ càng hơn và những câu hỏi nghi vấn được đặt ra. Và cơ quan chức năng đã vào cuộc.
 
Hóa ra, việc kiểm tra để tìm ra những hành vi gian lận không quá khó khăn như dư luận từng lo ngại, hành vi vi phạm cũng không quá tinh vi. Điều đó thể hiện bằng việc hành vi vi phạm quy chế lưu giữ, chấm thi ở Hà Giang đã được phát hiện chỉ bằng một việc đơn giản, kiểm tra lại camera ghi hình ngay tại chính trụ sở của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
 
Phó Phòng Khảo thí của Sở này đã di chuyển bài thi ra khỏi khu vực quy định, gỡ bỏ niêm phong và chỉnh sửa điểm của hơn 300 bài thi. Dưới góc độ công nghệ, tất cả quá trình này khá “thủ công” và việc khám phá ra là rất dễ dàng.
 
Với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, chỉ trong vài ngày đoàn cán bộ đã chấm lại các bài thi của Hà Giang, Sơn La điểm số thực của các thí sinh đã được trả về đúng thực tế.
 
Dưới góc độ nào đó, đã có thể nói đó là sự công bằng. Những nghi vấn đã có câu trả lời chính xác, những tâm tư của các thí sinh khác cũng như của các phụ huynh đã được giải tỏa, dư luận cũng đã có câu trả lời xác đáng.
 
Thế nhưng, cho dù kết quả của kỳ thi năm nay đã phần nào được làm sáng tỏ ở những địa phương có nhiều dấu hiệu “bất thường”, nhưng chắc chắn dư luận vẫn còn đặt câu hỏi, còn không những tiêu cực có thể xảy ra với các địa phương khác mà ở đó mức độ vi phạm tinh vi hơn, quy mô cũng nhỏ hơn, chưa đủ để tạo ra những hiện tượng bất thường ngay trên phổ điểm của thí sinh?
 
Khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều sự thật mới thực sự được phơi bày. Với những sai phạm rõ ràng và ngang nhiên như vậy, dư luận phải khẳng định có sự “cát cứ” của những người thực thi công vụ ở các địa phương.
 
Những sai phạm, tiêu cực đã bị phát hiện, các cá nhân có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, những bài thi cũng đã được trả về với số điểm đúng với thực tế.
 
Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ nào đó, vụ việc ở Hà Giang và Sơn La đã gióng lên hồi chuông báo động với toàn xã hội về tình trạng tiêu cực trong thi cử và đặt ra những câu hỏi cần trả lời về đổi mới cách thức thi cử và rộng hơn, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo.
 
Giờ đây, dư luận mong chờ những động thái tiếp theo của cơ quan chức năng không phải chỉ để phát hiện, xử lý và ngăn ngừa tiêu cực, mà còn trả lời những câu hỏi trên cho giáo dục – quốc sách hàng đầu và luôn được người dân cả nước hết sức quan tâm.

Nguồn: Quang Lê/Chinhphu.vn

Các tin khác