Văn hóa - Giáo dục
Những 'lỗ hổng' nghiêm trọng tiếp tay cho gian lận điểm thi THPT quốc gia
09:39, 26/07/2018 (GMT+7)
Trong khi vụ nâng điểm thi ồ ạt tại Hà Giang khiến dư luận cả nước bàng hoàng, bất bình thì vụ sửa điểm thi tại Sơn La vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) công bố trong ngày 23-7 đã làm gia tăng thêm sự bức xúc của người dân lên cao độ.
Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Mai Văn Trinh đã phải chua xót nói rằng: "Vụ Sơn La rất phức tạp, tính chất khác hẳn vụ Hà Giang. Hiện tổ công tác chưa kết luận được bao nhiêu bài thi bị sửa điểm và sửa như thế nào vì số lượng phiếu trả lời trắc nghiệm là rất lớn". Bê bối Sơn La, cơ quan Công an đã "gọi tên" được cả một đường dây, trong đó có một vị là Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh này.
Quy trình thiếu an toàn, thiếu luôn một cơ chế kiểm soát
Nhiều đồng nghiệp của tôi - những phóng viên theo dõi giáo dục đeo bám vụ việc này đã chấp nhận ăn trực nằm chờ, vạ vật tại Sơn La nhiều ngày nay. Ngày 23-7, khi dự cuộc họp báo tại Sơn La, nhiều người trong số họ đã phẫn nộ thốt lên, "thật không thể tin nổi", "quá khủng khiếp". Họ cũng như tôi có lẽ chưa bao giờ được chứng kiến một vụ gian lận thi cử nào "quy mô" và nhức nhối đến vậy, nên không chỉ bức xúc mà chúng tôi còn cảm thấy hổ thẹn thay và đau đớn.
Theo Bộ GD & ĐT, "vụ Hà Giang, Sơn La tuy không phải đại diện, nhưng đây là những điều rất bất thường". Năm người được xác định liên quan trực tiếp tới việc can thiệp, sửa điểm thi tại Sơn La gồm: Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; Cầm Thị Bun Sọn, Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, Ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm và ông Lò Văn Huynh, Phó Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.
Với chức danh quản lý và có trình độ nghiệp vụ trong công tác khảo thí, những người này dễ dàng can thiệp thô bạo vào bài thi của thí sinh một cách rất "có tổ chức". Họ đã "sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền, nhưng giờ vẫn chưa xác định được họ mang đi đâu và ai cho phép". Khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không niêm phong. Máy tính dùng chấm thi cũng không được niêm phong.
Ông Mai Văn Trinh: Vụ Sơn La rất nghiêm trọng, tính chất vi phạm khác Hà Giang. |
Tại thời điểm tổ công tác kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La. Một số phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa. Những sai phạm rất có hệ thống này cho thấy một sự lộng quyền, coi thường quy chế, chà đạp lên kỷ cương phép nước và chắc chắn phải xuất phát từ động cơ vô cùng "xấu xí".
Tại Sơn La, với môn Ngữ văn, tổ công tác đã tổ chức đối chiếu điểm thi trên bài thi của tất cả các thí sinh với biểu kết quả chấm thi được in ra từ phần mềm hỗ trợ chấm (điểm đã nhập vào máy) phát hiện có 17 bài thi có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm đã nhập vào máy (chênh lệch từ 0,25 đến 2,0 điểm).
Khi chấm thẩm định 110 bài thi môn Ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường, phát hiện 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1,0 điểm trở lên; trong đó có 1 bài có điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.
Với các bài thi trắc nghiệm, cơ quan chức năng của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với Tổ công tác kiểm tra, xác minh, làm rõ, bước đầu cho thấy có dấu hiệu sửa phiếu trả lời trắc nghiệm. Nhưng vụ này thủ đoạn tinh vi hơn khi để "ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị xóa và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD&ĐT để chấm bài là hoàn toàn giống nhau".
|
Về lí do tại sao chưa xác định được số lượng bài thi trắc nghiệm bị sửa điểm, ông Mai Văn Trinh cho hay, theo quy trình chấm trắc nghiệm thì "file ảnh quét lưu lại để chấm hiện nay tại Sơn La đang phù hợp với phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh". Đó cũng chính là lí do tổ công tác của Bộ không tiến hành chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm ở Sơn La. Điều này đã gợi mở rằng, các vị trong hội đồng thi đã rất "cao tay", biết tìm cách che đậy sự dối trá.
Rõ ràng, nhìn vào những vi phạm của Sơn La, một lần nữa cho thấy, quy trình tổ chức thi của chúng ta rất có vấn đề, thiếu sự an toàn và thiếu luôn một cơ chế kiểm soát, mà theo lời một hiệu trưởng trường đại học, "thi tại địa phương thì khác nào thả hổ về rừng". Quy trình thi chưa an toàn, vì "an toàn thì phải đạt được mức họ muốn vi phạm mà không vi phạm được".
Thiếu cơ chế kiểm soát vì ai sẽ giám sát quy trình đó? Các thanh tra ủy quyền, thanh tra giám sát do Bộ GD & ĐT "thiết kế" đã ở đâu, làm gì để đến mức một "Trưởng ban thư ký chấm thi cứ ngang nhiên vác túi bài thi đi sửa, rồi lại trả lại chỗ lưu trữ mà không ai hay". Vụ Sơn La, cơ quan công an đang điều tra làm rõ cách thức gian lận, nhưng có thể hình dung, năm vị giữ những vị trí trọng yếu của quá trình tổ chức thi đã trắng trợn can thiệp vào bài thi, mà không chịu bất cứ sự kiểm soát nào.
Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, kỳ thi vừa rồi, Bộ GD & ĐT huy động hơn 4.000 thanh tra ủy quyền cắm chốt tại hơn 2.000 điểm thi, nhưng không ít người trong số cán bộ này chưa làm hết trách nhiệm (điển hình là tại Hà Giang, 2 cán bộ của ĐH Tân Trào đã bỏ về, vắng mặt tại thời điểm quan trọng nhất của khâu chấm thi). Đó là chưa kể tình trạng có trường đại học cử cán bộ về các địa phương giám sát chấm thi theo kiểu "cho có", vừa mỏng về số lượng, vừa non kém về nghiệp vụ.
Khi nhắc đến "một quy trình tổ chức thi an toàn" với chúng tôi, TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD & ĐT cảnh báo: "Có những khâu chúng ta để cho cán bộ công nghệ thông tin ngồi xử lý một mình, toàn quyền luôn, máy móc của người ta, họ mượn cớ làm công tác chuyên môn để yêu cầu những người khác ra ngoài hoặc đứng nhìn. Cơ hội tiêu cực có thể nảy sinh từ đây".
Một chuyên gia khác cho hay, bài thi mà bị sửa chữa kết quả phiếu trả lời trắc nghiệm trước khi đưa vào quét thì chắc chắn phải có thông đồng của rất nhiều người vì việc sửa chữa rất mất thời gian. Nhân vụ Hà Giang, tôi có gặp được hai giảng viên đại học được Bộ GD & ĐT huy động tham gia chấm thi trắc nghiệm ở hai tỉnh. Họ đều cho biết không được Bộ tập huấn kỹ, khi nhận nhiệm vụ thì lên đường, Bộ chỉ phát cho một tập tài liệu hướng dẫn để tự nghiên cứu mày mò.
Có những giảng viên đại học do "trình độ nghiệp vụ yếu", non nớt, nên khi một mình tham gia chấm thi tại một địa bàn xa xôi, họ gần như bị "vô hiệu hóa", chỉ "ngồi chơi xơi nước".
Tôi có một anh bạn công tác tại một trường đại học lớn tại Hà Nội, anh kể, năm trước đi tăng cường coi thi THPT quốc gia tại một tỉnh miền núi phía Bắc, anh đã bị "vô hiệu hóa" đến mức, cả đợt thi chỉ "lang thang" vòng ngoài, dù trong phòng thi, anh biết rất nhộn nhạo, thí sinh thoải mái trao đổi bài.
Soi từ vụ Hà Giang, Sơn La cho thấy, dù một quy trình hoàn hảo nhưng khâu cán bộ, khâu lựa chọn con người vào các vị trí quan trọng đã chưa được xem trọng, còn "lỗ hổng" quá lớn. Điều này cũng đã được Tư lệnh ngành giáo dục - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, "sự việc này là cảnh tỉnh đối với những người làm công tác tổ chức thi".
"Trắc nghiệm khách quan" nhưng chưa khách quan
Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, năm nay tổ chức thi đồng loạt các môn trắc nghiệm nên đã xảy ra hình thức vi phạm mới, Bộ GD & ĐT phải nghiên cứu rút kinh nghiệm.
Theo Giáo sư Thi, "đã là thi trắc nghiệm, nếu làm đúng thì coi thi, chấm thi gần như không phải quan tâm", nhưng đấy là "trắc nghiệm ra trắc nghiệm, không phải trắc nghiệm nửa vời như chúng ta đang làm". Các nước họ thi trắc nghiệm bằng cách cho thí sinh ngồi trên máy, máy sẽ có phần mềm để tự động chọn cho thí sinh một đề thi ngẫu nhiên từ ngân hàng đề, thí sinh thi luôn trên máy, không cần khâu thu bài. Thi xong, máy cũng chấm điểm xong, như vậy khâu coi thi không thành vấn đề.
Điểm thi đã lưu trên máy, thí sinh cũng biết ngay điểm, như thế mới là thi "trắc nghiệm khách quan", làm gì "có thời gian để ông Vũ Trọng Lương cóp đĩa dữ liệu mang về phòng xử lý". Làm thi trắc nghiệm triệt để, chúng ta sẽ không còn phải nghĩ nhiều đến "tính trung thực của kỳ thi" như hiện nay đang dấy lên trong dư luận, vì độ sai sót của máy có tỉ lệ rất thấp.
"Bộ GD & ĐT học kinh nghiệm các nước nhưng mới chỉ làm được một số khâu, khâu chưa làm được lại chính là sơ hở. Hãy xem lại quy trình, từ lúc học sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, thu phiếu về, đưa vào máy quét, rồi nhận đáp án, rồi mới chấm, quãng thời gian đó rất dài. Vì thế ông Vũ Trọng Lương, hay các ông ở Sơn La hoàn toàn có thể can thiệp vào bài. Sơ hở là chúng ta không có biện pháp để bảo vệ bài thi, dù quy trình đề ra rất nghiêm ngặt, có tem niêm phong. Nhưng nói công bằng thì sai sót này không ai lường trước được, những vụ việc như Hà Giang, Sơn La mới giúp chúng ta nhìn ra lỗ hổng, cần sớm phải đánh giá, rút kinh nghiệm" - Giáo sư Đào Trọng Thi bày tỏ quan điểm.
Câu hỏi đặt ra, sau Sơn La, Hà Giang, liệu gian lận còn ngóc ngách len lỏi ở đâu nữa mà chúng ta chưa thể kiểm soát? Kết quả của kỳ thi "2 trong 1" có tin cậy được hay không?
Về vấn đề này, TS. Quách Tuấn Ngọc chia sẻ: "Giờ bảo bỏ kỳ thi này thì rất khó, do đó, quan điểm của tôi là phải hoàn thiện kỳ thi "2 trong 1", nâng cao độ tin cậy để xã hội được nhờ. Nếu kỳ thi giảm độ tin cậy, các trường đại học sẽ phải tổ chức thi riêng, khi đó, cả xã hội lại khăn gói quả mướp lên đường, rất tốn kém. Mọi người phải ý thức cùng nhau làm kỳ thi tốt lên, tin cậy lên, mới giải quyết được "ẩn ý" đằng sau là kỳ thi tốt nghiệp để lấy kết quả xét tuyển đại học".
TS. Quách Tuấn Ngọc đề xuất, về giải pháp kỹ thuật, phiếu trả lời trắc nghiệm phải được thiết kế có phách, có rọc phách, để tránh việc sửa đáp án, tránh cả việc biết thí sinh là "con cháu nhà ai" và việc chấm thi nên chấm theo cụm, hoàn toàn do các trường đại học chấm vì họ còn lo khâu xét tuyển, không trường đại học nào muốn tuyển thí sinh điểm cao mà thực lực thì yếu kém.
Một nhà giáo từng làm công tác quản lý giáo dục có nói rằng, những lỗ hổng mà dư luận vừa qua lên tiếng xuất phát từ chính bản chất của kỳ thi "ghép 2 làm 1" với bản chất, vai trò và chức năng rất khác nhau, do đó đã không phù hợp về nguyên tắc đo lường đánh giá trong một khung thời gian hạn chế cho 2 mục đích. Ông còn cho rằng, việc làm chính sách thi những năm qua hầu như chưa được nghiên cứu một cách bài bản, để đánh giá hết các yếu tố tác động vào chất lượng và hiệu quả của kỳ thi.
Những yếu tố này không chỉ nằm trong phạm vi của thi cử mà còn ở cả bên ngoài hệ thống như văn hoá, việc làm, đầu ra của sinh viên. Đây là điều cần được tính đến một cách nghiêm túc khi chúng ta tổ chức kỳ thi vào năm sau.
Liên quan đến vụ Hà Giang, ngày 23-7, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT Hà Giang về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Như vậy, đây là đối tượng thứ 2 bị khởi tố trong vụ nâng điểm thi Hà Giang. Ông Nguyễn Thanh Hoài, 49 tuổi, trú tại tổ 7, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang. Trong kỳ thi THPT quốc gia, ông Hoài được giao nhiệm vụ Phó trưởng Ban chấm thi, Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi. Ông Hoài được xác định là người giao chìa khóa nơi lưu trữ bài thi cho ông Vũ Trọng Lương, người trực tiếp sửa điểm cho các thí sinh, trái với quy chế, nâng điểm ồ ạt hơn 300 bài thi của 114 thí sinh.
Nguồn: Thu Phương/CAND