Văn hóa - Giáo dục
Về kỳ thi '2 trong 1': Vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở
(Congannghean.vn)-114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm từ 1,0 - 8,75 điểm trong tổng số gần 5.500 thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang; đề thi khó nên không còn hiện tượng “cơn mưa điểm 10”; 83% thí sinh cả nước có điểm thi môn Lịch sử dưới 5… Đó là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay và kéo theo sự băn khoăn, trăn trở xung quanh kỳ thi “2 trong 1”.
Giám thị kiểm tra thông tin thí sinh trước khi bước vào phòng thi tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở điểm thi THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn |
83% thí sinh cả nước có điểm thi môn Lịch sử dưới 5
Trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, số lượng thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử tăng đột biến, song kết quả thi môn này lại đang ở mức báo động. Theo phổ điểm các môn thi do Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 11/7, trong tổng số 563.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử, có gần 470.000 em có mức điểm dưới 5, chiếm tỉ lệ 83%. Thậm chí, điểm trung bình môn Lịch sử của các thí sinh năm nay chỉ đạt 3,79 điểm, thấp hơn hẳn so với các năm trước (tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,6 điểm; năm 2016 là 4,49 điểm).
Phổ điểm của các môn thi theo khối cho thấy, cả nước có 340.000 thí sinh chọn Lịch sử để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng và có tới 78% thí sinh có mức điểm dưới trung bình, trong đó có 535 thí sinh bị điểm liệt (bằng hoặc dưới 1 điểm). Qua số liệu trên cho thấy, có thể đề thi Lịch sử năm nay khó hơn, đòi hỏi học sinh phải tư duy và có kỹ năng tổng hợp, phân tích và phạm vi kiến thức rộng hơn nên việc đạt điểm cao là không dễ. Song, cũng không ít người nghi ngại việc thí sinh chọn môn Lịch sử trong Tổ hợp môn Khoa học xã hội vì không đủ sức thi các môn khác, chứ chưa hẳn thí sinh thực sự yêu thích và dành sự quan tâm, đầu tư cho môn học này. Điều đó phản ánh chất lượng học tập của học sinh và đặt ra trách nhiệm đối với ngành GD&ĐT trong việc đổi mới cách dạy và học môn Lịch sử, tránh việc nhồi nhét kiến thức mà không quan tâm đến phát triển năng lực tư duy.
Những băn khoăn, trăn trở về kỳ thi “2 trong 1”
Phương án “2 trong 1” (ghép 2 kỳ thi làm 1), tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và sử dụng kết quả này vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT thực hiện từ năm 2015. Không phủ nhận Kỳ thi “2 trong 1” có một số ưu điểm như: Giảm áp lực cho thí sinh; việc tổ chức thi tại địa phương giúp phụ huynh, thí sinh đỡ mệt mỏi, tiết kiệm chi phí đi lại… Song, qua các kỳ thi, nhất là kỳ thi năm 2017 và 2018 cho thấy, vẫn còn có quá nhiều bất cập. Cụ thể, tại Kỳ thi THPT Quốc giá năm 2017, đề thi quá dễ nên xảy ra hiện tượng “cơn mưa điểm 10”; độ phân loại thấp dẫn đến câu chuyện “cười ra nước mắt” khi đạt điểm 29,30 điểm ở cả 3 môn thi mà vẫn không đậu đại học khiến dư luận hết sức hoang mang…
Trong khi đó, đề thi năm 2018 được đánh giá quá khó, độ phân loại cao nhưng lại gây bất lợi cho nhóm học sinh yếu và học sinh vùng nông thôn, miền núi. Theo số liệu của Bộ GDĐT, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 97,57%, trong đó hệ THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%. Tỉ lệ cao gần như tuyệt đối đã phản ánh một thực trạng khách quan: Tốt nghiệp THPT mang tính gần như phổ cập.
Trong những ngày qua, sự việc 114 thí sinh trong tổng số gần 5.500 thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang được nâng điểm, trong đó có những thí sinh có tổng điểm được tăng lên 26,8 điểm, thậm chí là 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định đang là vấn đề gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Sai phạm về việc can thiệp để nâng mức điểm bài thi THPT Quốc gia năm nay tại Hà Giang đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và chắc chắn sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc.
Ông Vũ Trọng Lương (SN 1978), Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang vừa bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra, làm rõ về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ |
Tuy nhiên, vụ việc trên cũng khiến dư luận không khỏi lo ngại về những “lỗ hổng” trong quá trình giám sát đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình thực hiện khâu chấm thi, nhất là với việc chấm bài thi trắc nghiệm. Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, việc sửa 1 bài thi trắc nghiệm chỉ mất 6 giây. Như vậy, nếu bộ phận giám sát chủ quan, lơ là, việc chỉnh sửa dữ liệu bài thi không phải là điều quá khó. Dư luận cho rằng, tuy có sự phối hợp với các trường đại học và thanh tra của Bộ, song việc giao cho địa phương các khâu từ coi thi đến chấm thi… là mấu chốt dễ xảy ra tiêu cực, gian lận.
Thiết nghĩ, qua những sự việc trên, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe dư luận xã hội, tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của kỳ thi “2 trong 1”… Qua đó, rút kinh nghiệm và điều chỉnh hợp lý để kỳ thi các năm tiếp theo diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Ngày 20/7, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký Công văn số 3060 về việc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại các địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi và xử lý nghiêm sai phạm nếu có. Quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT và căn cứ tình hình có thể đề nghị cơ quan Công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy chế và pháp luật. Bộ cũng yêu cầu triển khai công tác khảo thí và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo đúng quy định, quy chế và quyền lợi của thí sinh. Trước đó, trả lời báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Bộ vẫn giữ ổn định Kỳ thi THPT Quốc gia với 2 mục đích trong những năm tới. Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi sẽ có những điều chỉnh để hạn chế tiêu cực, đảm bảo tính nghiêm túc và công bằng, trong đó có việc tăng cường sử dụng các thiết bị, phương tiện kỹ thuật; đặc biệt là coi trọng khâu huy động nhân lực tham gia tổ chức kỳ thi với các yêu cầu chặt chẽ về phẩm chất, năng lực, đạo đức...”. |
Đại Nghĩa