Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201808/lop-hoc-tinh-thuong-cua-linh-bien-phong-808307/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201808/lop-hoc-tinh-thuong-cua-linh-bien-phong-808307/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lớp học tình thương của lính Biên phòng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 09/08/2018, 09:12 [GMT+7]

Lớp học tình thương của lính Biên phòng

(Congannghean.vn)-Một tối mùa hè, chúng tôi theo chân Đại úy Bùi Hồng Mạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng (BP) Tam Quang, BĐBP Nghệ An đến lớp học tình thương do đơn vị mở tại Nhà văn hóa bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Hôm nay, thầy Mạnh cũng trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
 
Lớp học có 34 học viên, chủ yếu là phụ nữ và những người trung tuổi thuộc 3 bản Liên Hương, Tùng Hương và Tân Hương, xã Tam Quang. Đây là các bản nằm ở vị trí giáp biên, với địa hình hiểm trở, biệt lập, có 4 dân tộc anh em sinh sống: Thái, Kinh, Tày Poọng và Đan Lai. Trước khi mở lớp, số cán bộ đảm nhiệm đứng lớp của Đồn BP Tam Quang đã được dự giờ do các giáo viên Trường Tiểu học Tam Quang 2 lên lớp theo phương pháp dạy học mới.
Lớp học xóa mù chữ tại Nhà văn hóa bản Tùng Hương do cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang trực tiếp giảng dạy
Lớp học xóa mù chữ tại Nhà văn hóa bản Tùng Hương do cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang trực tiếp giảng dạy
Đồng thời, các giáo viên của Trường cũng đã giải đáp những thắc mắc của đội ngũ cán bộ dự tập huấn về nội dung, kỹ năng, kinh nghiệm dạy học theo phương pháp mới. Để giúp đội ngũ này từng bước làm quen với phương pháp dạy học và rèn luyện kỹ năng sư phạm, cuối mỗi bài học, các “thầy giáo mang quân hàm xanh” đã được “nhập vai” để hệ thống lại cho học sinh  những nội dung mà giáo viên đã truyền đạt. Sau khi tập huấn, các cán bộ trực tiếp tham gia giảng dạy.
 
Mặc dù đã có lịch học từ trước đó, nhưng bắt đầu từ buổi chiều, hệ thống loa phát thanh của bản đã thông báo để chị em thu xếp công việc gia đình đến lớp. Khoảng 19 giờ 30 phút, những ánh đèn pin lấp lóe soi sáng từng bước chân của chị em khẩn trương hướng về Nhà văn hóa bản Tùng Hương. Trong khi đó, thầy Mạnh kiểm tra lại đồ dùng (bộ chữ cái, phấn viết bảng…) dành cho buổi học mới.
 
Bắt đầu buổi học, thầy Mạnh điểm danh từng học viên. Hôm nay, cả 34 học viên đều đi học. Thầy kiểm tra bài cũ, phát huy tinh thần xung phong của các học viên. Có 4 học viên lên bảng viết những chữ cái của buổi học trước. Mặc dù chữ viết chưa được đều đẹp, song các học viên đã hoàn thành bài tập cũ của mình. Thầy Mạnh cùng cả lớp vỗ tay động viên các học viên vừa xung phong lên bảng. Buổi học bắt đầu với tinh thần vui vẻ, đầy hào hứng. Cả lớp nhìn lên bảng học viết chữ cái mới. Học viên lấy bảng ra và cầm phấn viết, sau đó ai viết xong thì dơ lên để thầy xem. Thầy Mạnh liên tục động viên: “Các chị không sợ sai, sai thì chúng ta sẽ cùng sửa”. Có nhiều học viên vốn quen cầm dụng cụ lao động sản xuất, nay cầm phấn, bút bỗng thấy ngượng ngùng. Thầy liền cầm tay hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cách cầm bút, phấn, cách đưa nét bút để học viên làm quen… Xen kẽ giữa các tiết học là các tiết mục văn nghệ, thầy trò cùng hát vang những bài hát về người thầy, người lính, về biên giới, quê hương.
 
“Mưa dầm thấm lâu”, các chị em dần hứng thú, say mê với con chữ, cái bảng, quyển vở. Chị Lô Thị Thắm trú tại bản Liên Hương, xã Tam Quang chia sẻ: Khó khăn chung nhất của chị em là thu xếp được thời gian để lên lớp đều đặn vì đa số các chị là lao động chính trong gia đình. Được sự động viên của thầy giáo và tạo điều kiện của gia đình, của các chú bộ đội, sau các buổi học, chị em còn tranh thủ tập trung để ôn bài.
 
Đại úy Bùi Hồng Mạnh chia sẻ: Khi tổ chức lớp học này, chúng tôi gặp một số khó khăn. Thứ nhất là đời sống của đồng bào còn nghèo, chị em là lao động chính trong gia đình. Thứ hai là tâm lý mặc cảm của chị em, nhất là chị em đã lớn tuổi cho rằng học cũng chẳng để làm gì. Trước tình hình đó, chúng tôi đã phải tuyên truyền, vận động nhiều lần để chị em hiểu được ý nghĩa của việc biết chữ, biết đọc, biết viết góp phần phát triển kinh tế gia đình… Đơn giản như khi biết chữ, chị em vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình sẽ biết nội dung trong hợp đồng và ký xác nhận vào đơn xin vay. Để tạo điều kiện cho các chị yên tâm theo học, Đồn BP Tam Quang còn trợ giúp một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị Vy Thị Thắm trú tại bản Liên Hương 3 con dê để phát triển kinh tế…
 
Thời gian đầu, mỗi tuần chỉ học 2 buổi tối, nhưng đến nay, có những hôm trời mưa chị em không lên nương rẫy được, lớp bố trí học cả vào ban ngày để kịp thời gian chương trình đề ra trong dịp hè. Bởi hết hè, đến mùa thu hoạch măng và chị em phải lo cho các con khi bước vào năm học mới. 
 
Ông Kha Văn Lập, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương đánh giá: Lớp học tình thương do Đồn BP Tam Quang tổ chức là mô hình xã hội hóa giáo dục rất hay, đã và đang được áp dụng hiệu quả trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các tổ chức, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, đưa ra những sáng kiến tương tự để cùng chung tay hoàn thành mục tiêu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo cho huyện nhà.
.

Phương Linh

.