(Congannghean.vn)-Dân ca ví, giặm đã ăn sâu, neo đậu vào trong tâm hồn của mỗi người dân xứ Nghệ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo này vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, tiếp tục được trao truyền và tồn tại bền bỉ trong đời sống đương đại.
Một tiết mục tại Liên hoan Dân ca ví, giặm cấp cụm |
Năm 2010, Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ lần đầu tiên được tổ chức. Sau 2 năm, Liên hoan tổ chức liên tỉnh tại Nghệ An và Hà Tĩnh. NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: “Mục đích của việc tổ chức Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là nhằm bảo tồn và phát huy di sản trong cộng đồng. Chỉ khi “sống” trong cộng đồng thì dân ca ví, giặm mới được bảo tồn và phát triển bền vững. Đến với Liên hoan Dân ca ví, giặm, người dân có được một sân chơi bổ ích, ý nghĩa. Thông qua những làn điệu dân ca ca ngợi quê hương, đất nước, con người xứ Nghệ, các phong tục tập quán, nếp sống văn hóa của mỗi làng quê để thế hệ trẻ hiểu được giá trị của cha ông để lại, từ đó gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống này…”.
Nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi trong đời sống, cuối tháng 7, đầu tháng 8 này, tại Nghệ An, Liên hoan Dân ca ví, giặm cấp cụm sẽ diễn ra trong không khí vui tươi, hào hứng. 62 câu lạc bộ (CLB) lựa chọn từ cấp huyện, cấp cụm được chia thành 4 cụm, tổ chức tại TX Hoàng Mai và các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Tân Kỳ, với gần 1.300 nghệ nhân, quần chúng tham gia với nhiều tiết mục đơn ca, hoạt cảnh, diễn xướng dân ca đặc sắc, phong phú, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với quần chúng nhân dân. Đa dạng về màu sắc nhưng cùng chung chủ đề ca ngợi Bác Hồ kính yêu, ca ngợi Đảng, ca ngợi công cuộc đổi mới, các thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và bản sắc văn hoá từng địa phương được diễn xướng đặc sắc, sáng tạo, tạo dấu ấn tại Liên hoan, khơi dậy trong lòng người xem niềm tin, tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, nghệ nhân đến từ CLB Dân ca ví, giặm xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương cho biết: Trước khi tham dự Liên hoan cấp cụm, mặc dù công việc bận rộn nhưng các thành viên trong CLB rất tích cực luyện tập cả ngày lẫn đêm. Ngoài việc tập luyện những làn điệu dân ca cổ thì còn có những bài mới mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ…
Theo đánh giá của Ban tổ chức, Liên hoan năm nay, các CLB có sự sáng tạo trong dàn dựng chương trình, kết hợp hài hòa giữa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên nét riêng vốn có.
Sau những ngày tham gia tranh tài sôi nổi, Ban giám khảo đã chọn ra 12 CLB để tham gia liên hoan cấp tỉnh được tổ chức tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vào cuối tháng 8. Có thể nói, Liên hoan là dịp để những người yêu dân ca có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát dân ca Nghệ Tĩnh trong toàn ngành và tổ chức đoàn thể, để dân ca được “sống” mãnh liệt trong cộng đồng; qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.