Mặc dù Bộ GD&ĐT chưa công bố phổ điểm từng môn học, tuy nhiên, từ dữ liệu điểm thi môn Lịch sử tại một số địa phương cho thấy, điểm trung bình môn Lịch sử đang nằm “cuối bảng”.
Tại TP. Hồ Chí Minh, môn Lịch sử có đông thí sinh đăng ký thi nhất ở tổ hợp bài Khoa học Xã hội, với 27.941 em nhưng chỉ 19,1% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, 80,9% bài thi có điểm dưới trung bình.
Tại Đồng Nai, điểm trung bình môn Lịch sử chỉ chiếm trên 12,7% và có tới 87,3% bài thi điểm dưới 5.
Tại Đà Nẵng, 90% thí sinh đạt dưới 5 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tại Quảng Trị, chỉ hơn 17% thí sinh trên điểm trung bình môn Lịch sử. Tại Nghệ An, môn Lịch sử cũng có phổ điểm trung bình khá thấp, tập trung nhiều ở quãng từ 2,5 đến 4,5 điểm...
Lý giải về việc điểm thi môn Lịch sử quá thấp, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: Cá nhân ông không cảm thấy bất ngờ với kết quả này.
Cũng theo phân tích của thầy Hiếu, có 3 lý do cơ bản dẫn đến việc điểm thi môn học này thấp. Thứ nhất, trong nhiều năm trở lại đây, số thí sinh chọn khối C, trong đó có môn Lịch sử để xét tuyển vào các trường đại học ngày càng ít. Thứ hai, phần nhiều các thí sinh năm trong tỉ lệ 81% dưới điểm trung bình chọn Lịch sử là môn thi công nhận tốt nghiệp.
Với những thí sinh thi THPT quốc gia chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp, các em phần lớn sẽ chọn tổ hợp môn xã hội để thi vì các em quan niệm rằng tổ hợp môn khoa học xã hội sẽ dễ hơn tổ hợp môn khoa học tự nhiên.Tâm lý chung của các thí sinh này là chỉ cần qua điểm liệt là đỗ tốt nghiệp, chứ không quan tâm điểm của môn là cao hay thấp.
“Nhiều thí sinh khi bắt gặp nhiều câu hỏi phân hóa, nâng cao chủ yếu là dựa vào yếu tố “may - rủi”, đoán mò chứ không phải tự tin để lựa chọn phương án nào sai, phương án nào đúng. Điểm môn sử thấp không phải do học sinh dốt sử, mà chủ yếu là các em ngại học hoặc chỉ học cầm chừng vừa đủ để xét tốt nghiệp”-Thầy Hiếu chia sẻ.
.