Văn hóa - Giáo dục
Sứ mệnh cao cả của báo chí trước vận hội mới đất nước
Trải qua 93 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Báo chí đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, hàng trăm nhà báo, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, báo chí đã luôn đi đầu trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, bám sát thực tiễn sinh động trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, biểu dương kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh phản bác luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch để bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội…
Những đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước.
Hiện cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép với hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ hoạt động. Thời gian qua các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, đưa tin kịp thời, toàn diện các mặt đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…
Báo chí đã tuyên truyền đậm nét và đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, nổi bật là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...
Đặc biệt thời gian qua các cơ quan báo chí đã thể hiện được vai trò tiên phong trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhờ sự vào cuộc một cách chủ động, quyết liệt, sự đấu tranh không khoan nhượng của các cơ quan báo chí, sự dấn thân không mệt mỏi của các nhà báo mà thời gian gần đây nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã bị phanh phui và đưa ra xét xử làm nức lòng dư luận.
Sự nhập cuộc đó đã góp phần đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, xây dựng cái mới, cái tốt, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và được dư luận đánh giá cao.
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9-1962). Ảnh Tư liệu. |
Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2018), chúng ta nhớ lại những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Và Người cũng chỉ ra rằng mỗi khi viết một bài báo cần phải trả lời được các câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu...?
Với sự lớn mạnh của đội ngũ những người cầm bút cùng với sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của các loại hình báo chí trước sự cạnh tranh gay gắt trong xu hướng bùng nổ thông tin hiện nay, đã và đang đặt ra những đòi hỏi cao đối với những người làm báo. Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của hàng loạt mạng xã hội với dung lượng thông tin lớn, tốc độ cao đã tác động nhanh chóng và tạo ra nhiều sự lựa chọn đối với người đọc.
Bên cạnh những thông tin tích cực, xuất hiện ngày càng nhiều và sự tán phát tốc độ cao của những thông tin xấu, độc hại, thậm chí là những thông tin giả mạo… Chính vì vậy, đòi hỏi người làm báo nói chung, phóng viên nói riêng phải có lập trường chính trị, bản lĩnh vững vàng, nêu cao được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người cầm bút để sàng lọc, phân tích, đánh giá thông tin từ đó đưa đến cho độc giả những thông tin trung thực, khách quan, hấp dẫn và đem lại lợi ích cho công chúng.
Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, nhà báo phải luôn nỗ lực học tập, thấu suốt quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trau dồi đạo đức, tự nguyện dấn thân, không quản ngại vất vả, hiểm nguy để đấu tranh với cái ác, cái xấu, nhất là nạn tham nhũng tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội. Giữ gìn phẩm giá để không sa ngã trước những cám dỗ lợi ích vật chất nhằm đưa đến cho công chúng những tác phẩm báo chí với chất lượng tốt nhất.
Phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng trong tình hình hiện nay, đòi hỏi những người làm báo và cơ quan báo chí phải chủ động nắm lấy vận hội đất nước, không ngừng nỗ lực, tiếp tục đổi mới, hướng tới cái đúng, cái hay, cái tích cực, vượt qua mọi thách thức để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo Báo CAND