Văn hóa - Giáo dục

Kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi đại học

14:54, 16/06/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Ngày 15-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đã tổ chức hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 qua cầu truyền hình tại Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
 
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quán triệt tinh thần kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi đại học. Các trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp là trách nhiệm với toàn xã hội.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích tốt nghiệp chứ không phục vụ cho việc tuyển sinh đại học. Sự tham gia của các trường ĐH, CĐ vào việc tổ chức kỳ thi không chỉ cần thiết, liên quan tới chất lượng đầu vào của chính các trường đại học mà còn là trách nhiệm xã hội.
Cán bộ đại học, cao đẳng sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia với trách nhiệm cao nhất
Cán bộ đại học, cao đẳng sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia với trách nhiệm cao nhất
“Chúng ta phải tăng vai trò tham gia của các trường đại học, cao đẳng, không dừng lại ở phối hợp. Mỗi cán bộ, giảng viên được coi như cán bộ của Trung ương cử xuống địa phương để giám sát việc tổ chức kỳ thi. Kỳ thi tổ chức khách quan, trung thực sẽ là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng, được giao quyền tự chủ ngày càng cao, làm tham khảo, phục vụ cho công tác tuyển sinh”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu lãnh đạo Bộ GD&ĐT căn cứ vào các chỉ đạo hết sức cụ thể của Thủ tướng Chính phủ những năm trước đây để sát sao cùng với địa phương tổ chức thật tốt kỳ thi năm nay.
 
“Tổ chức kỳ thi không chỉ là việc của ngành giáo dục mà của toàn xã hội, từ các lực lượng tham giao bảo vệ an ninh, an toàn kỳ thi đến những tấm gương tình nguyện giúp đỡ học sinh, phụ huynh trong những ngày thi. Qua đó không chỉ giúp các thí sinh có được một kỳ thi tốt mà những hành động rất cao đẹp, cảm động cũng giúp nhân lên giá trị, đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống”, Phó Thủ tướng nói. 
 
Về công tác chuẩn bị xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, có 381 đơn vị tham gia xét tuyển với 449.559 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm 2017. Hệ thống đăng ký tuyển sinh sơ bộ ghi nhận 2,75 triệu nguyện vọng, tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu đạt 6,04; 89,51% số nguyện vọng tập trung vào 5 tổ hợp tuyển sinh truyền thống, còn lại là 400 tổ hợp với 10,49% nguyện vọng.
 
Năm nay việc xét tuyển ĐH, CĐ có 2 điểm mới nổi bật là các trường tự xác định điểm sàn, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, ngay tại hội nghị, nhiều trường đại học cho biết dù được nới lỏng như vậy nhưng nhiều trường sẽ tuyển sinh bằng mọi giá, chất lượng đào tạo chắc chắn bị ảnh hưởng.
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh các trường đại học phải hết sức coi trọng công tác dự báo, cơ cấu nghề nghiệp để xác định chỉ tiêu, mở ngành đào tạo để tránh tình trạng “đưa chỉ tiêu nhiều nhưng thí sinh không vào”.
 
“Hiện có 60% các trường tham gia xét tuyển theo nhóm, nhờ đó đã giúp “lọc ảo” hiệu quả. Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm sau khi các trường công bố đề án tuyển sinh về chỉ tiêu tuyển sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
 
Nói thêm về việc xử lý “ảo” trong tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là trách nhiệm của các trường. Học sinh, phụ huynh muốn mọi sự công khai, minh bạch.
 
Học sinh có quyền đăng ký vào rất nhiều trường và khi đủ điều kiện trúng tuyển vào nhiều trường thì các em có quyền chọn một trường mà mình thích. Các trường phải coi việc là bình thường và thuộc trách nhiệm giải quyết của trường, không đẩy ra xã hội.
 
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 có 925.792 em, trong đó xét công nhận tốt nghiệp là 879.705 em, tổng số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 688.466 em, tăng hơn 48.000 so với năm 2017. Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.
 
Năm nay có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm 37% (năm 2017 là 38 %); 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48% (năm 2017 là 43%); 36.016 thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017 là 7%. Số còn lại 11 % trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần bài thi tổ hợp.

Nguồn: Thu Phương/CAND

Các tin khác