"Để thực hiện vấn đề này đạt hiệu quả, trong quy hoạch, xây dựng cán bộ phải chọn người tinh hoa (đủ tài và đức). Vậy làm sao để chọn được? Trước hết phải tôn trọng tập thể chứ không thể cá nhân quyết định công tác cán bộ; mặt khác cán bộ được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm phải được nhân dân tín nhiệm, giới thiệu, nhân dân được cùng tham gia xây dựng cán bộ bằng dân chủ thực sự chứ không thể hình thức" - tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ.
Tạo điều kiện để những người trẻ cống hiến nhiều hơn cho đất nước
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII khai mạc trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách quyết liệt với tinh thần “không có vùng cấm” nhằm xử lý, loại trừ những cán bộ sai phạm, không còn xứng đáng ra khỏi bộ máy công quyền.
Sắp bước vào tuổi 90 nhưng ông Phan Minh Tánh (chín Đào), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban dân vận Trung ương cho biết, ông “không bỏ sót” chương trình thời sự nào trên Đài Truyền hình quốc gia. Trên bàn trà nhà ông (đường Đinh Công Tráng, quận 1, TP Hồ Chí Minh), tôi thấy có ba bốn tờ nhật báo. Ông Tánh cho biết, những ngày qua, ông luôn “theo” rất kỹ vấn đề thời sự của đất nước.
Đọc bài viết của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đăng trên báo, nói về đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp,… ông Tánh dùng viết đỏ gạch chân từng chữ, từng hàng.
Ông Phan Minh Tánh quan tâm đến thông tin khai mạc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII. |
Ông Tánh đi vào phân tích những câu chuyện mà chính bản thân ông học được từ những đồng chí đi trước. Theo ông Tánh, đã là cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo thì phải hội đủ nhiều tố chất (như tiêu chuẩn mà chiến lược cán bộ đã nêu), trong đó một trong những tố chất quan trọng nhất là phải có cái tâm thực sự, biết thương yêu, lắng nghe nhân dân. Ông kể, thời ông còn công tác ở Hà Nội, nhìn cảnh người dân nghèo lặn lội từ các tỉnh phía Nam, trong đó, có Cà Mau quê ông ra để khiếu kiện, ông xót xa vô cùng.
Ông Tánh nhắc lại chuyện “tấm lòng thương dân” của nhiều người anh, người đồng chí đi trước mà ông kính trọng, trong đó có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Anh Sáu Dân (cách gọi thân mật Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thương bà con lắm. Nhiều lần ảnh nói mình là cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải biết lắng nghe. Người ta nói đúng tất nhiên là phải nghe rồi, còn nói chưa đúng thì mình phải tìm hiểu vì sao người ta nói như vậy. Tôi học ở anh điều này…”, ông Tánh nhớ lại và kể thêm, giữa năm 2008, khi chuẩn bị cho chuyến sang Hà Lan tìm hiểu và học tập chuyện “trị thủy” của quốc gia này để về có thể áp dụng cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng lũ miền Tây Nam bộ, đồng chí Võ Văn Kiệt (khi đó là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng) có dặn ông ở nhà chọn một số cán bộ từng bị kỷ luật mà họ cho rằng mình bị oan, hoặc bị “nặng tay”,… để khi về, ông có cuộc gặp gỡ họ.
Nhắc lại nhiều vụ việc tiêu cực gần đây liên quan đến cán bộ lãnh đạo tại một số địa phương, ông Tánh tỏ vẻ tâm đắc khi Hội nghị Trung ương lần này bàn sâu về vấn đề cán bộ, nhất là mổ xẻ những tồn tại, bất cập để từ đó đề ra giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá trong thời gian tới. “Để có đội ngũ cán bộ tốt hơn, chất lượng hơn, mình phải thẳng thắn nhìn nhận những cái tồn tại, cái chưa làm được.
Chẳng hạn như khi đánh giá cán bộ trước khi cân nhắc, đề bạt, bố trí vào vị trí lãnh đạo cao hơn, nếu mình làm kỹ khâu này, kiên quyết không cho vào danh sách những người được xem là có vấn đề thì hậu quả sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, nếu làm tốt khâu này, cơ hội cũng sẽ mở ra cho những người thực sự tài đức. Thời chúng tôi, làm gì có chuyện chạy quyền, chạy chức. Cấp trên phân công đâu là chỉ biết chấp hành, làm hết mình, hết sức, không kêu ca, ngại khó, ngại khổ, so đo thiệt hơn”, ông Tánh cho biết.
Cũng liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, nhắc lại những vụ việc đình đám như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vụ phó 26 tuổi ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, những vụ “cả họ làm quan” nhưng sau đó được báo cáo là “làm đúng quy trình”,… ông Tánh cho rằng, từ tình hình thực tế đã xảy ra, cần có quy định rõ hơn, cụ thể hơn về xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, người có thẩm quyền liên quan đến công tác tổ chức cán bộ khi để “lọt lưới” những cán bộ “có vấn đề”, để những cán bộ này có cơ hội “trèo cao, chui sâu” vào tổ chức khi họ có sai phạm trước đó, hoặc chưa đủ điều kiện theo quy định.
“Có những sai phạm trước đó của cán bộ, nếu nói rằng không biết thì không ai tin. Còn biết mà không xử lý, lại còn cơ cấu, cho lên vị trí cao hơn, sau đó lại truy cứu trách nhiệm, vậy thì phải coi lại trách nhiệm thuộc về ai. Đúng quy trình sao lại để lọt lưới như thế. Thời gian qua, mình chưa thực sự thẳng thắn nhìn nhận, khắc phục khuyết điểm này nên dẫn đến làm phức tạp tình hình”, ông Tánh nói.
Nói về những người trẻ được học hành đàng hoàng, có năng lực nhưng sau đó lại bị xử lý kỷ luật do sai phạm sau thời gian ngắn được bố trí làm lãnh đạo, ông Tánh nói: “Mình vẫn phải có niềm tin vào trí thức, tin vào giới trẻ. Tuy nhiên, khi giao cho người trẻ trọng trách để rèn luyện, thử thách, đo năng lực của họ, cần phải tiếp tục theo dõi, chăm bồi, kịp thời uốn nắn, sửa chữa những khuyết điểm của họ khi mới chỉ là những dấu hiệu ban đầu, đừng để người trẻ tự mãn, say trên chiến thắng…. Hãy luôn tạo điều kiện để những người trẻ có thể tham gia đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho đất nước”.
Cần loại bỏ căn bệnh hình thức trong công tác cán bộ
Trao đổi ý kiến xung quanh những nội dung về thực trạng trong công tác cán bộ, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi… chậm được ngăn chặn được đặt ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, GS.TS Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết:
Công tác cán bộ các cấp hiện nay, nhất là cán bộ cấp chiến lược rất quan trọng. Và công tác cán bộ là công tác then chốt của Đảng; nếu công tác này không vững chắc sẽ dẫn đến thất bại tất cả mọi thứ. Vì một Đảng như Lênin nói có hai điều đáng sợ - thứ nhất là sai lầm về đường lối, thứ hai là hủ hóa cán bộ. Đó là hai chân của một Đảng, cho nên dù đường lối đã vững chắc rồi, nhưng cán bộ mà không đáp ứng được yêu cầu thì cũng thất bại. Chúng ta đều biết, trong công tác cán bộ thì không phải là tự phát mà phải hết sức chủ động xây dựng.
Muốn có một người giỏi, một người tốt thì phải đào tạo, phải lựa chọn, rồi phải thử thách, đề bạt từng mức độ một, để giúp cho người cán bộ đó có một tầm nhìn, một năng lực; nói chung cán bộ không phải tự động mà có; người giỏi không phải từ trên trơi rơi xuống mà phải thông qua đào tạo, rèn luyện. Tự phát mà giỏi thì hiếm hoi lắm, còn bình thường thì chúng ta phải đào tạo, rèn luyện. Như thuật dụng nhân của người xưa là phải lựa người, thử người, dùng người, đãi người và trị người.
Do đó, trong công tác cán bộ, đặc biệt những bài học do Bác Hồ dạy luôn rất chú ý đến công tác cán bộ, Bác Hồ dành gần phân nửa những lời giáo huấn của Người liên quan đến công tác cán bộ. Cho nên trong tình hình hiện nay, chúng ta đặt vấn đề để có nghị quyết về công tác quy hoạch, lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chiến lược là đúng đắn và cấp thiết.
Người ta thường nói “Thượng bất chính, hạ tất loạn”, cho nên ở cấp trên có đội ngũ cốt cán vững chắc thì chúng ta sẽ có tấm gương, sẽ làm tốt trong toàn bộ hệ thống. Nếu ở trên không tốt, sai sót sẽ dẫn đến sai toàn bộ. Người xưa hay dùng công thức “Diệt thượng trị hạ” - tức là muốn diệt tiêu cực thì phải diệt những người ở trên cao làm gương thì phía dưới sẽ lo sợ không dám sai sót. Và hiện tại chúng ta đang thực hiện như vậy.
GS.TS Võ Văn Sen. |
Theo tôi, căn bệnh lớn nhất của công tác cán bộ hiện nay là bệnh hình thức. Và cũng vì chủ nghĩa hình thức mà chúng ta có những cái “chạy” hết sức buồn cười: “chạy tuổi”. Nhưng vì chúng ta hình thức quá, cứng nhắc quá. Bộ trưởng ở các nước hơn 60-70 tuổi là bình thường, còn ở ta Bộ trưởng tới 60-62 tuổi là cắt mà cắt một cách máy móc. Và chúng ta cắt một cách máy móc từ nhà khoa học cho đến quản lý, cho đến đội ngũ cán bộ chiến lược. Cùng với việc “chạy tuổi”, những cái “chạy chức, chạy ghế”… đều là tham nhũng rồi.
Để nhân dân cùng tham gia công tác xây dựng cán bộ
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong “Sửa đổi lối làm việc” đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn mang đậm tính khoa học, tính nhân dân và dân tộc sâu sắc, luôn soi sáng cho công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước ta hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng vấn đề cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, coi đây là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, tồn vong của chế độ. Do vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chính sách đúng đắn, phù hợp để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, biết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tiến sĩ Trần Du Lịch. |
Có thể nói, tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ được thể hiện rõ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947. Trong đó xác định, cán bộ là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, ngọn nguồn của mọi công việc; công việc tốt, xấu, thành hay bại đều do cán bộ mà ra; muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý.
Trong thời đại ngày nay, Đảng ta đã và đang vận dụng tư tưởng của Bác Hồ trong công tác cán bộ là một việc làm cực kỳ cần thiết, qua đó đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, đồng thời tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc, đoàn kết, phấn đấu đưa nước ta phát triển.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, để thực hiện vấn đề này đạt hiệu quả, trong quy hoạch, xây dựng cán bộ phải chọn người tinh hoa (đủ tài và đức). Vậy làm sao để chọn được? Trước hết phải tôn trọng tập thể chứ không thể cá nhân quyết định công tác cán bộ; mặt khác cán bộ được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm phải được nhân dân tín nhiệm, giới thiệu, nhân dân được cùng tham gia xây dựng cán bộ bằng dân chủ thực sự chứ không thể hình thức.
Muốn vậy, những cán bộ quy hoạch phải được công khai cụ thể để nhân dân giám sát, tín nhiệm; đảng viên được quy hoạch cũng cần đề ra các nhiệm vụ công tác cụ thể để nhân dân theo dõi, tránh hình thức. Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu ví dụ cụ thể, như luân chuyển cán bộ phải đặt nhiệm cụ thể khi đến công tác tại các địa phương để nhân dân theo dõi trong nhiệm kỳ đó người cán bộ được luân chuyển đến có hoàn thành nhiệm vụ công tác đề ra của Đảng hay không, có đem lại được những hiệu quả công tác cụ thể nào. Tránh chuyện luân chuyển hình thức cho đủ điều kiện rồi bổ nhiệm chức cao hơn…
Đặc biệt việc quy hoạch, đề bạt cán bộ phải công khai và có số dư để lựa chọn, cạnh tranh một cách minh bạch. Cạnh tranh ở đây không phải đấu đá, đi “cửa sau” mà bằng những việc làm, công trình cụ thể để nhân dân giám sát, tín nhiệm. Có như thế mới “bịt” được sự chạy chọt, cá nhân trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách để phát huy, thu hút được người tài theo tư tưởng của Bác Hồ.
Mặc khác công tác cán bộ cũng gắn liền với cải cách tiền lương, nhằm đảm bảo cuộc sống cho cán bộ công chức, viên chức…
Thời điểm vàng để cải cách căn cơ chính sách bảo hiểm xã hội
Chính sách bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động; sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, tổ chức quốc tế, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.
Sau một thập kỷ khó khăn bởi suy thoái kinh tế, với tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 6,81% cùng tín hiệu lạc quan từ đà phục hồi và tăng trưởng cao nhất trong quý I vừa qua, việc Chính phủ trình Trung ương xem xét Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vào thời điểm này là biểu hiện rõ nét nhất để thực hiện Cương lĩnh của Đảng về việc “kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội”, “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách”.
Đây có thể coi là “thời điểm vàng” để hoạch định quan điểm, mục tiêu, định hướng chính sách cho việc cải cách toàn diện, mạnh mẽ, căn cơ chính sách bảo hiểm xã hội nhằm phúc đáp quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo tinh thần Điều 34 Hiến pháp 2013.
Thực hiện định hướng cải cách này, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trình Hội nghị Trung ương 7 cho ý kiến xem xét, thảo luận đã đưa ra 8 nội dung đột phá. Điểm đầu tiên phải kể đến, đó là việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Đây là mục tiêu từng được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010. Với bối cảnh phát triển hiện nay, việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu này là rất cần thiết để thực hiện định hướng Xã hội chủ nghĩa trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lao động khu vực phi chính thức, những đối tượng dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau. Có thể hiểu đây là sự phát triển bảo hiểm xã hội về chiều rộng.
Kinh nghiệm nước ngoài cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy tích cực mở rộng diện bao phủ theo mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân là giải pháp quan trọng để chủ động ứng phó với những thách thức của bẫy thu nhập trung bình và tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số Việt Nam.
Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đặt vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để ứng phó với quá trình già hóa dân số, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và xuất hiện các hình thức quan hệ lao động mới. Theo đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố tăng trưởng kinh tế, với giải quyết bài toán về việc làm, thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải được thực hiện sớm và tiến hành khẩn trương theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động.
Theo Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, cần tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí để phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thất nghiệp, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động và doanh nghiệp Việt Nam; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động của đất nước.
Cùng với đó, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua. Thực hiện điều chỉnh tiền lương hưu xã hội (tầng 1) theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; lương hưu cơ bản (tầng 2) được điều chỉnh chủ yếu dựa trên tốc độ tăng giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các nhóm đối tượng thông qua không điều chỉnh theo một tỷ lệ đồng đều.
Trong Đề án, Chính phủ đưa ra quan điểm rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia bảo hiểm xã hội có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm duy trì và mở rộng diện bao phủ, khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự đảm bảo an sinh như chủ trương nhất quán trong các Văn kiện và Nghị quyết của Đảng.
.