Văn hóa - Giáo dục

Đừng áp đặt con mình phải đi con đường giống 'con nhà người ta'

08:32, 17/04/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Cái chết thương tâm của nam sinh lớp 10E3 Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã khiến mọi người cảm thấy đau đớn, xót xa. Trong lá thư tuyệt mệnh, nam sinh này cho biết mình đã quá mệt mỏi bởi áp lực học tập, suy sụp vì không thể đáp ứng kỳ vọng của gia đình.
 
Từ sự việc đáng tiếc này, nhiều ý kiến chia sẻ rằng, học giỏi thật là tuyệt nhưng học làm người tử tế mới là quan trọng nhất. Có rất nhiều con đường để đến đích, người lớn chúng ta đừng áp đặt con mình phải đi con đường giống “con nhà người ta”.
 
Với tư cách là phụ huynh có hai con hiện đang học THCS và THPT, cô Phạm Thái Lê, giáo viên môn Ngữ văn trường Marie Cuirie Hà Nội chia sẻ: “Chúng ta được sinh ra trong cõi đời này đã là một ân huệ lớn của tạo hoá. Và mỗi chúng ta là duy nhất, không lặp lại. Chúng ta chỉ được sống một lần trong cuộc đời. Trong số chúng ta, có người học rất giỏi Toán nhưng kém Sử. Có người học tốt Văn nhưng không thể làm nổi một bài Hoá. Có người vẽ rất đẹp nhưng không nhớ được công thức Toán hay thuộc một bài thơ... Điều đó hoàn toàn bình thường.
Trường THPT Nguyễn Khuyến, nơi xảy ra vụ việc học sinh tự tử vì áp lực học tập.
Trường THPT Nguyễn Khuyến, nơi xảy ra vụ việc học sinh tự tử vì áp lực học tập.
 
Không phải ai cũng thích học và học giỏi, thậm chí không giỏi bất cứ một môn nào. Học giỏi thật là tuyệt nhưng học làm người tử tế mới là quan trọng nhất. Điểm cao ai cũng thích, thi tốt ai cũng vui nhưng điều đó không phải là tất cả”.
 
Cũng theo cô Phạm Thái Lê, có rất nhiều con đường phù hợp với mỗi chúng ta. Không nhất thiết chúng ta phải đi con đường giống "con nhà người ta", không nhất thiết chúng ta phải đạt được mục tiêu giống "con nhà người ta". Do vậy, phụ huynh  hãy lựa chọn cho con mình con đường, mục tiêu vừa sức, phù hợp bởi vừa sức và phù hợp mới thực sự là lựa chọn khôn ngoan.
 
Chia sẻ thêm với các em học sinh, cô Lê cho rằng: “Các em có nhiều cách để trình bày nguyện vọng của mình, thậm chí là phản đối mạnh mẽ, nhưng không nên lựa chọn cách phản ứng tiêu cực bằng cái chết, để lại nỗi đau cho cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè"
 
Không chỉ phản đối việc nhiều phụ huynh xem “con cái là tấm huy chương của mình” để rồi kỳ vọng quá mức, tạo ra những áp lực không cần thiết và không đáng có cho con trẻ, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ còn nhấn mạnh đến trách nhiệm và triết lý giáo dục của nhà trường trong câu chuyện đáng tiếc này.
 
Theo nhà báo Vũ, trường THPT Nguyễn Khuyến đã bỏ khá nhiều môn không dạy, chỉ tập trung dạy những môn để học sinh thi đại học và dạy cho bằng đậu thì thôi. Nói cách khác, nhà trường chỉ quan tâm học sinh học phải đậu đại học, chưa quan tâm toàn diện xem đứa trẻ ấy có khoẻ mạnh hay không, có những kỹ năng sống gì hay có tâm hồn đẹp để lớn lên thành một người lớn bình thường hay không?.
 
“Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cái gọi là "nghiêm khắc" của một số cơ sở giáo dục. Dạy người trước hết phải dạy con người ta cách để làm người, kỹ năng và cách để sống vui sống khoẻ từ nhỏ chứ không phải chỉ là nhồi nhét kiến thức?”-Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đặt câu hỏi.
 
Chia sẻ thêm với PV Báo CAND về vấn đề này, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Truyền thống hiếu học của chúng ta ảnh hưởng nhiều từ nền Nho học, trong đó xem việc học, thi cử, đỗ đạt là quan trọng, tạo nên truyền thống chung của xã hội là quan tâm đến thành tích của cá nhân, gia đình, dòng họ trong học tập...
 
Và trên thực tế, truyền thống này hiện vẫn đeo đẳng, thể hiện rõ bằng việc chúng ta vẫn còn coi trọng quá mức bằng cấp. Phụ huynh dường như vẫn lập trình sẵn đường đi cho con mình là học hết THCS thì vào THPT, xong THPT thì vào đại học. Xã hội tạo áp lực cho các gia đình, cho bố mẹ và phụ huynh tạo áp lực cho con phải học, phải có kết quả tốt để đi theo con đường học vấn.
 
“Cần phải thay đổi mạnh mẽ nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh rằng học vấn không phải là con đường duy nhất. Có rất nhiều con đường khác nhau để các em đi. Ví dụ, học hết bậc THCS, học sinh không nhất thiết phải lên THPT rồi vào đại học mà có thể học nghề để gia nhập vào thị trường lao động sớm. Xã hội cũng phải thay đổi cách nhìn nhận, người thợ lành nghề cũng có thể có thu nhập, vị trí xã hội không kém gì so với cử nhân, kỹ sư”- TS Phạm Tất Thắng nêu quan điểm.

Nguồn: Huyền Thanh/CAND

Các tin khác