Văn hóa - Giáo dục
Tăng cường giải pháp hạn chế tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh tiểu học
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước (TNTT&ĐN) cho học sinh được các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng. Mặc dù kế hoạch mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Dạy bơi cho học sinh tại Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn bằng bể bơi di động |
Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu trong việc triển khai kế hoạch về phòng, chống TNTT&ĐN. Để giảm thiểu tỉ lệ TNTT&ĐN, góp phần tạo môi trường sống an toàn, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3175 ngày 18/7/2017, về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống TNTT&ĐN trẻ em trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Ngoài văn bản hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động nắm tình hình cụ thể của từng địa phương để xây dựng lộ trình và đề ra các giải pháp. Đến nay, toàn tỉnh có 541 trường tiểu học (đạt tỉ lệ 100%) triển khai thực hiện chương trình “Trường học an toàn” và giáo dục phòng, chống TNTT&ĐN bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Xác định rõ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa có ý nghĩa hết sức quan trọng, thời gian qua, các trường học thường xuyên giáo dục, nhắc nhở học sinh ý thức phòng tránh và ngăn ngừa các trò chơi nguy hiểm, khuyến cáo các em không tắm, chơi đùa gần ao, hồ, kênh, mương và những nơi tiềm ẩn nguy cơ TNTT&ĐN.
Ngoài ra, tăng cường giáo dục ATGT, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ý thức chấp hành pháp luật, quy định khi tham gia giao thông cho học sinh bằng nhiều hình thức như: Thông qua các giờ sinh hoạt tập thể, xây dựng phong trào “Đội tuyên truyền nhỏ” trong nhà trường, lớp học để các em thường xuyên nhắc nhở nhau.
Chính những nỗ lực đó đã tác động tích cực đến nhận thức của xã hội và cộng đồng đối với việc phòng, chống TNTT&ĐN, giảm tử vong cho trẻ em. Điển hình như huyện Anh Sơn phối hợp với Phòng Công Thương khảo sát, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho 13 bến đò ngang, cấp đầy đủ áo phao cho học sinh đi học qua đò; hay như huyện Hưng Nguyên cấp phát áo phao đầy đủ cho học sinh sống trong vùng sông nước.
Thông qua các hoạt động như sinh hoạt tập thể đầu tuần, sinh hoạt cuối tuần, các câu lạc bộ, chuyện kể…, đến nay đã có 100 % học sinh được giáo dục an toàn phòng, chống TNTT&ĐN. Năm 2017 có 13.952/261.380 (5,3%) học sinh tiểu học được học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Toàn tỉnh có 32 trường đã triển khai dạy bơi cho học sinh. Một số trường thuộc địa bàn TP Vinh, Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã tuyên truyền, vận động để phụ huynh đăng ký cho con em học bơi tại các trung tâm. Tổ chức 65 buổi với các câu lạc bộ, hoạt động giáo dục truyền thông như sân khấu hóa giao lưu ATGT, phòng tránh đuối nước…
Tại một số địa phương đã chủ động triển khai tập huấn cho cán bộ, giáo viên cốt cán về nội dung trường học an toàn và giáo dục phòng, chống TNTT&ĐN. Một số trường phối hợp với trạm y tế, Cảnh sát PC&CC tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trong việc sơ cứu ban đầu, PCCC… Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí để mua sắm, tu sửa cơ sở vật chất thiết bị, nhờ đó các mục tiêu bước đầu đạt được, tỉ lệ tử vong do TNTT&ĐN có chiều hướng giảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai kế hoạch phòng, chống TNTT&ĐN vẫn còn một số tồn tại như: Việc phối hợp với gia đình và cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền hiệu quả chưa cao, chưa bền vững, vẫn còn hiện tượng chưa chấp hành đầy đủ các quy định như chưa đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tụ tập đông người trước cổng trường, chưa mặc áo phao khi đi đò…. Vì thế, tuy số học sinh bị TNTT&ĐT năm 2017 giảm so với các năm trước nhưng vẫn còn (tai nạn thương tích 22 em, đuối nước 10 em).
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa dạy bơi cho học sinh còn nhiều hạn chế; việc tổ chức dạy học bơi tại trường còn ít (7/541 trường, đạt tỉ lệ 1,3%); các trường còn nhiều vướng mắc trong việc tổ chức dạy học bơi, số giáo viên được cấp chứng chỉ dạy bơi còn ít. Một số đơn vị lúng túng trong việc xây dựng nội dung, hình thức dạy học và giáo dục phòng, chống TNTT&ĐN cho học sinh. Công tác tập huấn cho cán bộ, giáo viên chưa thường xuyên. Điều kiện cơ sở vật chất của một số trường học chưa thật sự đảm bảo an toàn, phòng học xuống cấp, ao hồ trong khuôn viên chưa có hàng rào chắc chắn, việc xây dựng và mua sắm bể bơi còn gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo giáo dục phòng, chống TNTT&ĐN trong trường tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức vừa qua, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như những bài học trong công tác phòng, chống TNTT&ĐN, trên cơ sở đó đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh, cộng đồng; tăng cường vận động, huy động xã hội hóa; xây dựng và nhân rộng mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn, tích hợp các nội dung phòng, chống TNTT&ĐN trong các hoạt động dạy học.
Phan Tuyết