Văn hóa - Giáo dục
Bảo tồn và phát huy dân ca Thái
(Congannghean.vn)-Một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái là lưu giữ được các làn điệu dân ca, dân vũ. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đó, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thời gian qua, đã có nhiều câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ được thành lập và hoạt động có hiệu quả.
Tiết mục hát múa dân ca Thái tại buổi lễ ra mắt CLB dân ca Thái, bản Kim Đa, xã Lục Dạ |
Về với miền Tây xứ Nghệ, hòa chung không khí của lễ hội nơi đây, không thể thiếu các làn điệu dân ca, dân vũ. Trong tiếng cồng chiêng ngân vang là những điệu lăm, khấp, xuôi, nhuôn của các bà, các mẹ. Điệu hát ấy cứ truyền qua bao thế hệ, để đến hôm nay, mỗi người con của núi rừng đi xa lại nhớ thương; còn người ở lại tiếp tục níu giữ hồn cốt của dân tộc mình.
Con Cuông là một trong những huyện miền núi vùng cao biên giới, có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 75%. Mảnh đất với bề dày văn hóa từ những nhạc cụ truyền thống đến các trường ca, làn điệu dân ca… đến nay vẫn được lưu giữ, trao truyền. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ năm 2008 đến nay, huyện Con Cuông đã thành lập nhiều CLB dân ca, dân vũ Thái tại nhiều bản thuộc các xã Môn Sơn, Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ…
Bản Kim Đa, xã Lục Dạ là một trong những bản còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống và lưu truyền các làn điệu dân ca như: Khắp, xuối, lăm, nhuôn và các điệu múa truyền thống của dân tộc. Năm 2016, bản vinh dự được đón nhận danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện. Mới đây, bản đã tổ chức lễ ra mắt CLB dân ca Thái, đánh dấu CLB dân ca thứ 18 được thành lập trên địa bàn huyện Con Cuông. Mặc dù mới thành lập nhưng CLB đã thu hút 19 thành viên tham gia sinh hoạt tích cực trên tinh thần tự nguyện. Ngoài 1 thành viên là nghệ nhân, những thành viên còn lại là hạt nhân nòng cốt trong việc lưu giữ và truyền dạy dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Thái.
Mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần, các thành viên tự tập luyện và biểu diễn nhằm phục vụ khách du lịch đến tham quan cũng như giao lưu văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Tại buổi lễ ra mắt, mọi người được hòa mình vào các tiết mục văn nghệ dân gian như độc tấu sáo trúc, các làn điệu dân ca… do chính các thành viên trong CLB dân ca Thái biểu diễn.
Nhắc đến các làn điệu dân ca Thái, phải kể đến vai trò to lớn của các nghệ nhân. Họ chính là những người lưu giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Về huyện Tương Dương, ta hãy đến với bản Phòng, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái với nhiều nét đẹp truyền thống văn hóa đặc sắc. Đây cũng là bản duy nhất của Tương Dương cho đến nay còn duy trì và phát triển các làn điệu cồng chiêng, khắp, xuôi, lăm, nhuôn…
Nghệ nhân Vang Văn Phùng (SN 1951), người tiên phong thành lập CLB dân ca, dân vũ bản Phòng chia sẻ: Muốn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có các làn điệu dân ca Thái thì phải truyền thụ cho lớp trẻ để các cháu cảm nhận được âm thanh, làn điệu. Bên cạnh các làn điệu cổ, cần sưu tầm các làn điệu dân ca mới, các điệu múa đặc trưng của dân tộc mình. Đến nay, toàn huyện Tương Dương đã có 7 CLB dân ca, dân vũ đang hoạt động hiệu quả. Huyện đang phấn đấu trong thời gian tới sẽ thành lập 18 CLB ở 18 xã, thị trấn; đồng thời, tiếp tục khai thác thế mạnh mô hình CLB dân ca, dân vũ để phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.
Có thể thấy, trong bối cảnh nghệ thuật dân gian của đồng bào Thái đang đứng trước nguy cơ mai một thì việc hình thành các CLB văn nghệ truyền thống có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nó không những bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mà thông qua các hoạt động văn hóa còn thu hút lượng khách du lịch, tạo tiền đề phát triển kinh tế tại địa phương.
Phan Tuyết