Văn hóa - Giáo dục

Bạo lực học đường

Để không còn là vấn đề 'Biết rồi, khổ lắm, nói mãi'

08:57, 02/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bạo lực học đường đã trở thành vấn đề “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của ngành Giáo dục, song đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nỗi lo âu, bức xúc, trăn trở vừa tạm lắng xuống lại bùng lên khi xuất hiện hành vi bạo lực mới.

Một lần nữa, tiếng chuông cảnh báo được gióng lên khi trong thời gian gần đây, trước hàng loạt vụ việc đáng tiếc xảy ra trong môi trường giáo dục như: Phụ huynh ép giáo viên quỳ gối xin lỗi ở Long An, 1 nam học sinh lớp 8 có hành vi xúc phạm và bóp cổ cô giáo dạy Tiếng Anh ngay trong giờ học ở Bến Tre, hay gia đình học sinh hành hung giáo viên dẫn đến nguy cơ sẩy thai ở TP Vinh… Hạn chế tình trạng bạo lực học đường hiện không chỉ là vấn đề riêng của ngành Giáo dục mà rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Trường Mầm non Việt - Lào (TP Vinh), nơi xảy ra vụ phụ huynh hành hung giáo sinh P.T.H. đang mang thai chỉ vì nghi ngờ vết bầm tím ở chân của con mình do cô giáo đánh
Trường Mầm non Việt - Lào (TP Vinh), nơi xảy ra vụ phụ huynh hành hung giáo sinh P.T.H. đang mang thai chỉ vì nghi ngờ vết bầm tím ở chân của con mình do cô giáo đánh

Bạo lực học đường từ trước đến nay vẫn được nhiều người hiểu là giữa học sinh với nhau. Tuy nhiên, qua những vụ việc gần đây có thể thấy, bạo lực học đường đang có xu hướng mới, không phải giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên mà còn giữa phụ huynh với giáo viên. Tình trạng phụ huynh can thiệp quá sâu vào công việc chuyên môn của nhà trường, của lớp, thậm chí đe dọa đến tính mạng, danh dự của nhà giáo đã khiến nhiều thầy cô không còn chuyên tâm hăng say, tâm huyết với nghề, không dám uốn nắn, sửa các sai sót, lỗi lầm của học sinh.

Sự học từ xưa tới nay đều được gia đình và xã hội quan tâm, coi trọng với sự kính mến “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu mến thầy”. Tuy nhiên, môi trường giáo dục đang dần bị phụ huynh nghĩ theo hướng thương mại hoá, cơ chế thị trường, nếu không thoả mãn sẽ phản ứng như có hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với giáo viên.

Mặt khác, xuất phát từ nguyên nhân hiện nay phụ huynh quá nuông chiều con cái nên ai đụng chạm vào con mình sẽ dùng quyền lực và sức mạnh phản kháng lại. Thực tế, mỗi năm, nhà trường chỉ tổ chức gặp mặt phụ huynh 1 - 2 lần đầu năm và giữa học kỳ nên mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh chưa thực sự được gắn kết.

TS. Trần Xuân Bí, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh bày tỏ, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, không thể để bị mai một bởi một vài vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua. Để giải quyết “bài toán” phụ huynh bạo lực với giáo viên, TS. Trần Xuân Bí cho rằng, về phía phụ huynh khi phát hiện điều gì bất thường với con mình cần xem xét sự việc như thế nào, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để xử lý tình huống. Đặc biệt, trước mặt trẻ em không nên và không được phép xúc phạm hay hành hung giáo viên.

Với trọng tâm “lấy xây để chống”, thời gian qua, ngành giáo dục Nghệ An tích cực đẩy mạnh các kế hoạch thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, không chỉ cần sự vào cuộc của riêng ngành Giáo dục mà đòi hỏi sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là học sinh, phụ huynh cần tích cực hơn trong vấn đề này.

Ngoài ra, cần chú trọng hơn các buổi học kỹ năng sống để giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng giải quyết tình huống nảy sinh trong cuộc sống, biết ứng xử văn minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật để hạn chế tình trạng bạo lực học đường.

Trong đó, gia đình phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; cam kết với nhà trường về việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường tốt nhất, góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện; là tấm gương sáng cho con em mình noi theo. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, bởi bạo lực học đường không chỉ gây tổn thương cho giáo viên, phụ huynh, nhà trường mà những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Các em sẽ không thể học được gì, thậm chí tiếp thu thêm những hành động xấu và sẽ có thái độ đối phó với thầy, cô giáo, nhà trường…

Thu Thủy

Các tin khác