Văn hóa - Giáo dục
Đưa võ cổ truyền vào trường học
(Congannghean.vn)-Tinh hoa dân tộc, thể hiện khí phách và cốt cách con người Việt. Đó là những giá trị tốt đẹp của võ Vovinam (còn gọi là Việt võ đạo) được nhiều người mến mộ. Cũng bởi thế mà nhiều người tâm huyết với loại hình văn hóa phi vật thể này muốn đưa những giá trị cốt lõi ấy vào trường học để thế hệ trẻ hôm nay gìn giữ và phát huy tinh thần dân tộc.
Lần đầu tiên, môn võ Vovinam được đưa vào thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nghệ An lần thứ 18 |
Võ Vovinam là môn võ cổ truyền Việt Nam, kết hợp tinh hoa của nhiều môn phái. Những người tham gia học võ không chỉ được rèn luyện sức khỏe, tính nhanh nhạy, bền bỉ, mà các đòn thế của võ Vovinam còn mang tính nghệ thuật cao nên rèn luyện sự dẻo dai, mềm mại. Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT về việc phát triển phong trào tập luyện môn võ Vovinam trong trường học, ngành Giáo dục Nghệ An đã nỗ lực tìm giải pháp đưa võ cổ truyền vào tập luyện trong các trường học.
Đã có một khoảng thời gian, mô hình Câu lạc bộ Vovinam của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu phát huy hiệu quả. Đó là một sân chơi lành mạnh, nhất là với những học sinh nội trú của Trường. Môn võ này thu hút nhiều học sinh tham gia. Mô hình bước đầu đã khẳng định sự đúng đắn trong việc đưa võ cổ truyền vào các hoạt động ngoại khóa. Thế nhưng, để môn võ cổ truyền thực sự lôi cuốn các em cũng như trở thành một môn luyện tập thường xuyên thì vẫn còn những băn khoăn. Tìm đâu ra thầy dạy võ khi mà người biết Vovinam ở Nghệ An chỉ đếm trên đầu ngón tay? Hơn nữa, thầy dạy võ ở trường cần phải có kỹ năng sư phạm.
Từ những băn khoăn, trăn trở đó mà thời gian qua, những người tham gia Liên đoàn Vovinam ở Nghệ An có buổi gặp mặt và bàn về hướng đi trong thời gian tới. Theo thời gian, võ Vovinam đưa vào học như một môn thể dục bắt buộc. Mới đây nhất, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Nghệ An đã họp bàn tìm phương hướng phối hợp tổ chức đưa võ cổ truyền dân tộc vào tập luyện trong các trường học. Các đại biểu cho rằng, đó là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết học sinh đều đang tập những môn võ như Teakwondo, Karatedo… Vì vậy, mong muốn Sở GD&ĐT sớm có văn bản chỉ đạo triển khai tại các trường. Trước mắt là triển khai ở các trường ở TP Vinh, sau đó tiếp tục nhân rộng ra các địa bàn khác.
Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, từ khi nhận được công văn chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục Nghệ An đã triển khai một số động tác võ cổ truyền vào các giờ thể dục giữa giờ. Để đưa nội dung võ cổ truyền vào trường học, đại diện Sở GD&ĐT đề xuất giữa Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh và Sở cần có chương trình phối hợp, chuẩn hóa giáo trình thống nhất phù hợp với từng lứa tuổi của học sinh. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh về yếu tố con người, cụ thể là đội ngũ võ sư, cán bộ giảng dạy.
Lần đầu tiên tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nghệ An lần thứ 18 năm 2018, Ban tổ chức đã đưa môn võ Vovinam vào thi đấu. Với tổng số 275 học sinh đến từ các huyện, thành, thị, trong đó chủ yếu tập trung ở TP Vinh với 34 em tham gia đã tạo được dấu ấn tại Hội khỏe năm nay. Tại hội thi, khán giả được mãn nhán trước những pha võ quyết liệt và đẹp mắt. Võ Vovinam đã mang đến cho đại hội sức trẻ, khí thế mới. Có thể thấy, việc đưa võ cổ truyền vào trường học không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần giáo dục các em về lòng tự tôn dân tộc và tinh thần tôn sư trọng đạo.
Phan Tuyết