(Congannghean.vn)-Trò chuyện với em H.T.H.T., học sinh học lớp 12 của Trường THPT Quỳ Hợp 3, chúng tôi càng thêm cảm phục nữ sinh người dân tộc Thái vừa bước sang tuổi 18. Dù dáng người nhỏ nhắn mảnh mai, song em đã đủ bản lĩnh để 2 lần thoát khỏi tục “bắt vợ”, đứng lên chống lại phong tục bị trai làng biến tướng thành hủ tục để viết tiếp giấc mơ học hành.
Nữ sinh người dân tộc Thái thường là mục tiêu bắt vợ của trai làng |
Nữ sinh 2 lần thoát khỏi tục “bắt vợ”
Mở đầu câu chuyện, H.T.H.T. chia sẻ: “Với người Thái, tục “bắt vợ” hay gọi là “trộm vợ” xuất hiện từ lâu đời và trở thành nét văn hóa độc đáo, hiện vẫn được duy trì. Song, em nghĩ đó phải là kết quả của tình yêu đôi lứa, là sự đồng thuận của 2 gia đình cho một cuộc hôn nhân đúng theo pháp luật và tục truyền”. Thế nhưng, dịp Tết vừa qua, em đã 2 lần bị anh V.V.H. (SN 1995) bắt về làm vợ.
Em là bạn của anh H. đã hơn 2 năm nay, ngày mồng 1 Tết, anh H. cùng các bạn đến nhà chơi và uống rượu cùng bố em. Đến khoảng gần 22 giờ, nhà hết rượu, bố nhờ em và anh H. đi mua, từ nhà em đến quán rượu khoảng 3 km. Lúc đang đi, H. hỏi ý em về việc làm vợ anh, em nói phải học đã nhưng H. không chịu và tiếp tục chạy xe đi. Sau đó, em nhảy xuống xe và chạy vào người dân mượn điện thoại gọi về nhà nói anh trai đến đón về.
Tiếp đó, tối mồng 4 Tết, em đến nhà bà ngoại thì thấy H. và bạn anh ấy đang chơi ở đây. Lúc đó, mự em nói rằng, nhà H. cũng có điều kiện, em về đó sẽ sướng lắm. Em nói với mự không lấy H. vì còn phải học, để đi làm giúp đỡ bố mẹ đã. Đến khoảng 21 giờ, mự nhờ em và H. đưa về nhà. Trên đường đi, H. đưa em đến thẳng nhà bà con của H. ở xóm bên. Tại đây, em thấy người nhà H. cứ bàn em lấy anh ấy nhưng em vẫn không chịu. Đến sáng mồng 5 Tết, khi đang ngồi ở cầu thang của nhà người quen H., em thấy anh trai đi qua nên chạy ra lên xe về nhà.
Cùng ngày, gia đình H. đưa trầu cau sang nhà hỏi cưới, bố mẹ nói em 2 lần bị bắt vợ cũng xấu hổ với dân làng rồi nên lấy H. hay không tùy em quyết định. Em nói với mọi người rằng, mình bị bắt về làm vợ khi không có tình cảm với H.. Lấy chồng rồi sẽ phải bỏ học để làm lụng, sinh con, đó là điều em chưa muốn làm lúc này. Sự việc của T. chỉ kết thúc khi em kiên quyết từ chối và có sự can thiệp của nhà trường. Hiện, tâm lý T. đã ổn định và em đã đi học trở lại.
T. chia sẻ: “Em sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em nên em xác định phải cố gắng học thật tốt, kiếm công việc ổn định để thay đổi số phận và đền đáp công ơn của bố mẹ. Em chỉ lấy chồng khi thực hiện được ước mơ vào giảng đường đại học, trở thành 1 hướng dẫn viên du lịch".
Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 cho biết: “Em H.T.H.T. học giỏi các môn xã hội và là 1 học sinh giỏi toàn diện trong nhiều năm liền. Năm học này, em có điểm tổng kết 8,4, là 1 trong 50 học sinh có học lực giỏi của Trường THPT Quỳ Hợp 3. Không chỉ học giỏi, T. còn rất ngoan ngoãn và lễ phép”.
Phong tục bị biến tướng thành hủ tục
Trước đó, đầu năm 2017, tại huyện Quỳ Hợp, 1 cô gái cũng bị một nhóm thanh niên bắt về làm vợ khi đang trên đường vào Nam làm việc. Những sự việc như vậy không hiếm ở các huyện miền núi khi Tết đến xuân về, nơi tục “bắt vợ” bị lợi dụng trở thành công cụ phục vụ mục đích xấu. Tục “bắt vợ” từ xa xưa là một nét đẹp văn hóa độc đáo của người Thái, thế nhưng những năm gần đây, phong tục này dường như đã bị biến tướng.
Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt, cho biết thêm, những năm trước đây, dịp ngoài Tết Nguyên đán, có 3 - 4 em bỏ học lấy chồng do tục “bắt vợ”. Vì thế, trong năm học 2017 - 2018, nhà trường cùng các cấp ban, ngành địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, có 2 học sinh là nạn nhân của tục “bắt vợ” đã được nhà trường tuyên truyền, vận động trở lại trường tiếp tục học tập.
Có thể thấy, câu chuyện của em H.T.H.T. chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều đối tượng kém hiểu biết pháp luật, lợi dụng tục “bắt vợ” để gây ra một số tệ nạn xã hội như tảo hôn hay xâm hại tình dục... Mong rằng, những hiện tượng đó sẽ được xóa bỏ để phong tục giữ nguyên nét đẹp vốn có.