Văn hóa - Giáo dục
Nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa
(Congannghean.vn)-Xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhờ đó, phong trào được đẩy mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, tạo tiền đề phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng danh hiệu văn hóa còn gặp những khó khăn nhất định.
Lễ đón nhận danh hiệu Làng văn hóa tại khối Tân Thành, phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa |
Tại Nghệ An, những năm qua, công tác đăng ký, xây dựng, kiểm tra, thẩm định công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa được Ban chỉ đạo các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng, bản, khối phố văn hóa tiếp tục được các huyện triển khai.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Nghệ An, năm 2017, toàn tỉnh có 662.002/793.361 gia đình được công nhận gia đình văn hoá, đạt 83,4%; 334 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa, nâng tổng số khu dân cư văn hóa đến năm 2017 là 4.025/5.888 khu dân cư văn hoá, đạt 68,3,%; 1.570/3.412 cơ quan, đơn vị được công nhận “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa” đạt 46%; 709 dòng họ văn hóa; 64 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”, 3 phường, thị trấn được công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 209/480 xã, phường được công nhận “Xã, phường có thiết chế VH-TT đạt tiêu chí chuẩn của Bộ VH-TT&DL”, đạt 43,54%.
Nhiều huyện đã chỉ đạo tổ chức tốt lễ đón nhận danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng và phát huy tốt danh hiệu dòng họ văn hóa, tạo dấu ấn tốt đẹp trong nhân dân, có tác dụng lớn trong việc cổ vũ phong trào như: Dòng họ Nguyễn Văn, họ Trương Như, họ Phan Thế, họ Lương ở huyện Nghi Lộc; dòng họ văn hoá ở các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu. Thông qua các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Mặc dù đạt được những kết quả như vậy, nhưng trong quá trình triển khai còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc. Việc chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban MTTQ các cấp đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở một số địa phương còn thiếu cụ thể và chưa có chiều sâu. Công tác tuyên truyền, vận động, triển khai cácvăn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào tại một số địa phương chưa tốt, chưa cập nhật triển khai kịp thời, đặc biệt là đối với cấp xã, nên việc nhận thức và tham gia thực hiện phong trào của nhân dân còn hạn chế.
Trên thực tế, việc xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa, một số tiêu chí đạt còn thấp, chưa đảm bảo chất lượng phong trào. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết không kịp thời, số lượng hộ gia đình, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa tăng, song chất lượng các danh hiệu chưa cao, chưa thực chất.
Nhiều địa phương chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn khi công nhận các danh hiệu. Việc giữ vững và phát huy các danh hiệu đã được công nhận đối với khu dân cư văn hóa còn hạn chế như vi phạm các tiêu chí về kế hoạch hóa gia đình sinh con thứ ba, vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội... Danh hiệu đang ngày càng tràn lan trong khi phản ánh chưa thực chất của tình hình. Một số địa phương chưa có sự thống nhất, làm chuẩn. Có nơi bình xét lỏng lẻo, có nơi lại đặt nặng vấn đề.
Có thể thấy, danh hiệu gia đình văn hóa được xem là một tiêu chuẩn để xây dựng dòng họ văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa. Tuy nhiên, những năm qua, nhiều làng văn hóa trên địa bàn tỉnh bị cắt danh hiệu bởi các hộ gia đình vi phạm những vấn đề nêu trên. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quy định xử lý đối với trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Theo đó, bãi bỏ các quy định xử phạt đối với người sinh con thứ 3, những người vi phạm sẽ không được xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh, cần có sự thay đổi về phương thức hoạt động, phải tìm cách đưa phong trào đi vào thực chất bởi văn hóa là nền tảng của xã hội. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL cần khẩn trương hoàn thiện Nghị định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” trình Chính phủ xem xét, ban hành; trong đó làm rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét, đảm bảo dễ nhớ, dễ thực hiện. “Các tiêu chí phải bao trùm được tất cả các giá trị cốt lõi của văn hóa... Việc bình xét các danh hiệu văn hóa cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phan Tuyết