Văn hóa - Giáo dục

Nghệ An

Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

16:06, 19/03/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm qua, Nghệ An đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể trong đời sống cộng đồng. Nhiều DSVH vật thể và phi vật thể được bảo vệ, phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hóa được tăng cường và thu hút đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia.

Ban hành lễ đọc văn tế ca ngợi và tri ân công đức của vua Mai, triều thần cùng tướng sĩ trong sự nghiệp chống giặc cứu nước ở thế kỷ thứ VIII tại Lễ hội đền vua Mai (huyện Nam Đàn)
Ban hành lễ đọc văn tế ca ngợi và tri ân công đức của vua Mai, triều thần cùng tướng sĩ trong sự nghiệp chống giặc cứu nước ở thế kỷ thứ VIII tại Lễ hội đền vua Mai (huyện Nam Đàn)

Trong những năm qua, công tác bảo tồn DSVH, quản lý và tổ chức lễ hội, trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh được chú trọng và triển khai tích cực. Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giữ gìn, bảo tồn các giá trị di tích lịch sử, văn hóa (DTLS-VH) bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ngành luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và hành động của mỗi người trong việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị DTLS-VH, lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; đồng thời, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng môi trường sống lành mạnh; giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của dân tộc tại địa phương. Nhờ đó, ý thức bảo vệ DSVH trong quần chúng nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Năm 2017, ngành VH-TT đã tích cực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 2.598 di tích, danh thắng đã được kiểm kê trên địa bàn tỉnh; đồng thời, làm tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, phục hồi, tôn tạo, tu bổ, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích. Tiêu biểu, trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng thêm 1 di tích Quốc gia đặc biệt (đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn); trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 5 di tích cấp Quốc gia; UBND tỉnh xếp hạng 32 di tích cấp tỉnh.

Cũng trong năm qua, để thúc đẩy phong trào dân ca ví, giặm tiếp tục lan tỏa trong đời sống, ngành tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ Đề án bảo vệ và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2030. Tập trung hỗ trợ hoạt động cho 40/130 CLB dân ca ví, giặm ở các địa phương; tiếp tục tổ chức biểu diễn quảng bá dân ca ví, giặm tại Khu di tích Kim Liên, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình…

Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành sẽ chú trọng vào công tác khôi phục và phát huy tích cực các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó có dân ca dân tộc Thổ ở huyện Tân Kỳ, lễ Bốc mó của dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp…

Các lễ hội văn hóa được phục dựng, bảo tồn và từng bước nâng cao chất lượng theo hướng: Gạt bỏ những nghi lễ, nghi thức không còn phù hợp với đời sống hiện đại và đưa vào những nội dung thiết thực, phù hợp để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Một số lễ hội lớn đầu Xuân Mậu Tuất 2018 như: Lễ hội đền Cờn, huyện Quỳnh Lưu; lễ hội hoa đào ở chùa Đại Tuệ và lễ hội vua Mai, huyện Nam Đàn... được tổ chức trang nghiêm, quy mô, tình hình ANTT được đảm bảo.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác VH-TT năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngành Văn hóa cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn các giá trị DSVH nói chung và di sản của tỉnh nhà nói riêng để DSVH thực sự được lưu giữ, bảo vệ, phát huy bền vững. Ngoài ra, ngành cũng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, trọng tâm là những vi phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích, cấp phép biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, dịch vụ văn hóa…

Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH vật thể và phi vật thể luôn là hai mặt gắn bó mật thiết, đảm bảo cho các DSVH được lưu truyền và không ngừng tái tạo, phát huy tác dụng lâu dài. Qua đó, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị DSVH truyền thống của ông cha để lại, góp phần xây dựng tỉnh nhà thêm giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống quê hương văn hiến. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các loại hình DSVH vật thể và phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thu Thủy

Các tin khác