Văn hóa - Giáo dục

Lớp học đàn tranh miễn phí của nữ giảng viên âm nhạc

09:30, 12/03/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Gần 1 năm nay, cứ vào chiều thứ 7 hàng tuần, khu tập thể C8 Quang Trung (TP Vinh) lại vang lên âm thanh thánh thót, trong trẻo của đàn tranh cùng tiếng hát cao vút, trong sáng của những cô học trò nhí. Đó là lớp học đàn tranh Sen Hồng - lớp học miễn phí do cô Đỗ Ngọc Anh, giảng viên Khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Nghệ An tổ chức.

Một buổi học của lớp đàn tranh Sen Hồng
Một buổi học của lớp đàn tranh Sen Hồng

Năm 2009, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia (Hà Nội) với thành tích thủ khoa toàn khóa, Ngọc Anh từ chối rất nhiều lời mời biểu diễn của các đoàn nghệ thuật để về quê và trở thành giảng viên khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An. Chị kể, thời gian còn học ở trường, để trau dồi kiến thức, chị thường tham gia biểu diễn độc tấu và tham gia vào các nhóm nhạc, dàn nhạc của trường. Ngoài ra, chị còn cộng tác với nhiều đơn vị, nhà hát và chương trình âm nhạc khác nhau.

Khi trở thành giảng viên Khoa Âm nhạc, trực tiếp giảng dạy bộ môn đàn tranh - một trong những nhạc cụ truyền thống của dân tộc, chị mong muốn dùng những kiến thức đã học để góp phần bảo tồn, phát triển bộ môn đàn tranh nói riêng và nền âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung, đưa âm nhạc dân tộc đến với bạn bè thế giới. Trong quá trình giảng dạy, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị còn say mê tìm tòi và cần cù tập luyện. Giờ đây, chị không chỉ đánh thành thạo đàn tranh mà còn có thể sử dụng một số loại nhạc cụ khác như đàn T’rưng, Piano…, khiến nhiều người cảm phục.

Trước thực trạng nhiều bạn trẻ ngày nay hầu như không có kiến thức gì về nhạc cụ dân tộc, thậm chí nhiều người còn không thể gọi tên các loại nhạc cụ này, chị đã ấp ủ mở lớp học đàn tranh hoàn toàn miễn phí. Dù bận rộn với công việc ở trường và gia đình, song chị vẫn quyết tâm thực hiện dự định của mình. Và, lớp học đặc biệt này ra đời như một điểm đến, để từ đó nhạc cụ dân tộc có thể lan tỏa rộng hơn trong cuộc sống.

Thời gian đầu, lớp học thu hút rất đông phụ huynh đến đăng ký cho con. Tuy nhiên, do không gian chật hẹp, không đủ diện tích và để đảm bảo chất lượng cho học trò, chị chỉ nhận 5 em là những em đã vượt qua khâu kiểm tra “đầu vào” và thực sự có niềm đam mê, năng khiếu với đàn tranh. Cô giáo Ngọc Anh tâm sự: “Tôi không kỳ vọng đào tạo các em trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ mong cung cấp những kiến thức nền tảng, để các em có thể đánh được những bài từ đơn giản đến phức tạp. Qua đó, phát hiện những em thực sự có năng khiếu, tố chất để hướng các em tham gia các trường nghệ thuật theo niềm đam mê của bản thân”.

Ở lớp học này, các em  không chỉ được học về lịch sử, cấu tạo, kỹ thuật chơi đàn tranh, mà còn được học cả cách thẩm âm, cách luyến láy, uyển chuyển các bộ phận trên cơ thể theo nhịp điệu… để thu hút khán giả. Và hơn hết, qua đó, cô giáo Ngọc Anh đã “truyền lửa” cho các em niềm tự hào về nhạc cụ truyền thống, nhen lên tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng trong mỗi buổi học, chị thường xuyên đưa các em tham gia biểu diễn trong các chương trình do các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn thành phố hoặc phường, xã tổ chức như “Đêm hội trăng rằm”, “Mùa hè cho em”…

Dù không thực sự phổ biến như các loại nhạc cụ hiện đại khác nhưng đàn tranh với âm thanh trong trẻo, ngọt ngào… từ lâu vẫn có một chỗ đứng riêng, là món ăn tinh thần của nhiều người. Đàn tranh cùng với đàn bầu, sáo… được xem là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt. Chị cho biết, đàn tranh hiện nay có thể kết hợp với nhiều loại nhạc cụ khác và chơi được nhiều thể loại nhạc từ rock, jazz…, nhưng vẫn không đánh mất nét riêng của loại nhạc cụ truyền thống dân tộc. “Thời gian tới, nếu trường tiểu học, THCS nào có ý tưởng mở lớp dạy đàn tranh, tôi sẵn sàng giảng dạy miễn phí cho các em. Tôi muốn thắp lên tình yêu và lòng tự hào về loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ…”, cô giáo Ngọc Anh chia sẻ.

Thu Thủy

Các tin khác