Văn hóa - Giáo dục
Người bảo tồn và phục dựng văn hóa Thổ
(Congannghean.vn)-Lớn lên từ câu hát đu đu điềng điềng cùng tiếng kẽo kẹt của chiếc võng gai, hồn cốt văn hóa Thổ đã ngấm vào ông từ thủa bé thơ. Đau đáu với sự mai một những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, nghệ nhân Trương Thanh Hải là người hiếm của bản mường trong hành trình bảo tồn và phục dựng hồn cốt của đồng bào Thổ nơi miền Tây xứ Nghệ.
Ông Trương Thanh Hải truyền lửa văn hóa Thổ cho lớp trẻ |
Từng là người lính bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, khi trở về địa phương, sẵn chút năng khiếu văn nghệ, ông Trương Thanh Hải tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, sau đó theo học lớp Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Sau đó, ông được phân công phụ trách công tác văn hóa xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp. Từ đó ông say mê sưu tầm, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Thổ đang có nguy cơ mai một.
“Chứng kiến sự mai một của những giá trị văn hóa, tôi đã rất trăn trở nên tự ghi chép rồi tự dịch. Trong quá trình công tác, tôi truyền cho con cháu và nhân dân trong xã, ở chỗ nào cần hay có chương trình, tôi cũng len lỏi đưa vào”, ông Hải chia sẻ.
Niềm đam mê đã đưa ông đến tận các bản làng, sưu tầm, ghi chép các làn điệu dân ca, dân vũ, các nhạc cụ của dân tộc và một số đồ dùng vật dụng của đồng bào Thổ. Ông phân tích, đánh giá và ghi chép tỉ mỉ, phân loại thành từng mục, từng nhóm để dễ nhận biết. Những điều còn trăn trở, ông tìm đến các nghệ nhân, già làng để học hỏi. Bên cạnh đó, ông so sánh sự giống và khác nhau giữa nét văn hóa các dân tộc Thái, Kinh, Thổ trong vùng để nhận biết những nét đặc trưng văn hóa Thổ.
Hơn 25 năm qua, ông Trương Thanh Hải đã sưu tầm và biên dịch, bảo tồn những kỹ năng trình diễn một số phong tục tập quán của dân tộc Thổ như: Tục cúng Ma, tục cúng Vía, tục cúng ma Nhà, tục lễ hội bốc Mó, diễn xướng cồng chiêng; sưu tầm một số bài thuốc dân gian dân tộc Thổ gắn với tâm linh chữa bệnh trong dân gian… Tập truyện thơ cổ của dân tộc Thổ "Chàng Pông Hương và Ả nàng Xờm" dài 371 trang, kể về mối tình say đắm của đôi trai gái người Thổ nhưng bị gia đình hai bên ngăn cản, được ông sưu tầm và biên dịch trong hơn 3 năm.
Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập CLB văn nghệ dân gian thuần Thổ, xóm Mó vào năm 2003. Đến năm 2016, CLB được tỉnh Nghệ An công nhận là mô hình văn hóa cấp tỉnh. Ông Đinh Hà Phương, người đã gắn bó với CLB cho biết: Từ khi thành lập đến nay, CLB luôn có sự kèm cặp của ông Hải. Chính ông là người giữ lửa cho CLB duy trì đều đặn theo thời gian.
Lớp trẻ mới lớn lên thấy lạ lẫm với những nét văn hóa quê hương, bởi hiện nay có quá nhiều phương tiện giải trí để các em tiếp cận. Tuy nhiên, với niềm đam mê của mình, ông Trương Thanh Hải đã truyền lửa để các em biết yêu quý văn hóa cội nguồn. Em Nguyễn Thị Hường trú tại xóm Mó, xã Nghĩa Xuân cho biết: “Mặc dù là người Thổ nhưng em chưa biết làn điệu dân ca dân tộc Thổ. Chính bác Hải đã giúp chúng em tìm hiểu về những nét bản sắc văn hóa, từ đó em càng thêm yêu dân tộc mình. Sau này em sẽ chỉ dẫn cho các em nhỏ để tiếp tục lưu truyền và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đi khắp nơi”.
Mới đây, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Nghệ An đã mời ông Trương Thanh Hải truyền dạy hàng chục bài hát, làn điệu dân ca dân tộc Thổ. Đó là niềm vinh dự trong việc bảo tồn văn hóa phi vật thể của một tộc người được các cơ quan văn hóa tỉnh Nghệ An trân trọng. Việc các đội nghệ thuật của huyện Quỳ Hợp thường xuyên sử dụng các tác phẩm của ông tham gia các hội diễn văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và luôn giành giải cao đã chứng minh những công lao xuất sắc của nghệ nhân Trương Thanh Hải.
Bà Trương Thị Kim Chi, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Quỳ Hợp cho biết: “Nhắc tới nghệ nhân Trương Thanh Hải, chúng ta nghĩ ngay đến sự đóng góp của anh trong việc khôi phục nếp sống sinh hoạt ngày xưa của đồng bào dân tộc Thổ. Ngoài ra, trong nhiều đợt liên hoan của đồng bào dân tộc thiểu số do tỉnh tổ chức, chúng tôi hầu hết đưa tác phẩm của anh Trương Thanh Hải tham dự và đều đạt giải rất cao”.
Phan Giang