Văn hóa - Giáo dục
Nét đẹp văn hóa và những biến tướng
(Congannghean.vn)-Đi đền, chùa cầu an vào dịp đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong nếp sống của người Việt nói chung, người dân xứ Nghệ nói riêng. Tìm đến đây, người dân được thư thái lòng mình, tâm hồn thanh tịnh, cầu mong sức khỏe, bình an. Thế nhưng, cùng với thời gian, nét đẹp văn hóa này đang dần biến tướng bởi các chiêu trò thương mại hóa, mê tín dị đoan…
Cần giữ nguyên nét đẹp văn hóa khi đi lễ đền, chùa |
Tôi tâm đắc với câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người…”. Thực tế, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân ngoài việc bày soạn vật phẩm lên chùa thắp hương, cầu sức khỏe, bình an, may mắn còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh, chốn linh thiêng trong tiết Xuân. Có thể nói, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi người con đất Việt, thông qua đó đẩy mạnh hoạt động du lịch tâm linh. Tuy nhiên, từ lễ bạc lòng thành, giờ đây, không ít người đã làm biến tướng việc lễ, chùa, trở thành hoạt động mê tín dị đoan.
Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, từ lâu, người dân đến với đền, chùa có tục đốt vàng mã. Hoạt động này đã trở thành một tập tục lâu đời của người dân Việt. Có thể thấy, việc cúng vàng mã rồi đưa đi đốt không những gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí tiền của và mất an toàn. Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của việc lạm dụng tín ngưỡng, biến tướng hình thức dâng lễ đầu năm, mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 031/CV-HĐTS đề nghị các Phật tử bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL thì tập tục đốt vàng mã đã có từ lâu, nó đã ăn sâu vào trong tâm thức người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết. Những năm qua, Bộ VHTT&DL cũng đã ban hành các công văn gửi đến các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó hạn chế việc đốt vàng mã, đồ mã.
Tại đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên vào dịp đầu Xuân năm mới thu hút hàng nghìn lượt du khách thập phương đến vãn cảnh, dâng lễ. Mới đầu giờ sáng, những người phụ nữ chuyên phụ trách việc hóa vàng tại đền đã phải có mặt, tất bật luân phiên canh trực để đảm bảo việc đốt vàng mã, đồ mã cho các du khách về cúng lễ. Mặc dù bỏ ra tiền triệu cho số hàng mã dâng lễ, vẫn biết là ô nhiễm môi trường nhưng tâm lý của người dân vẫn không thể bỏ được tập tục này.
Không còn là chuyện mới, nhiều năm nay, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, trong những ngày đầu năm mới, hàng vạn du khách đổ về cầu Phật, du Xuân. Dù đã được Ban tổ chức lễ hội tuyên truyền, nhắc nhở nhưng những hành vi thiếu ý thức như sờ chân, tay tượng, cài nhét tiền lên tượng… vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Hay như mới đây, người dân xôn xao trước thông tin UBND TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có công văn đề nghị cho phép làm bánh giầy kỷ lục Sầm Sơn dâng lên đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018. Dự kiến, chiếc bánh có trọng lượng hơn 3 tấn, nguyên liệu từ gạo nếp.
Thiết nghĩ, người đi lễ phải thành tâm chứ không cần “tốt lễ” để mong “dễ cầu”. Lòng thành kính không thể cân, đong, đo, đếm bằng vật chất được. Song song với những hiện tượng trên, đầu năm đi lễ chùa chúng ta không khó bắt gặp cảnh tượng quán cóc mọc lên như nấm chèo kéo người dân, xuất hiện những thầy bói dạo “hành nghề” tại các cổng đền, chùa…
Thật ra, việc tự do tín ngưỡng tâm linh là quyền của mỗi người dân. Chúng ta không có quyền phán xét đúng hay sai, tuy nhiên cần tuyên truyền để người dân thực hiện thế nào cho an toàn, tiết kiệm mà không mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, không trở thành hoạt động gây phản cảm.
Phan Tuyết