Văn hóa - Giáo dục

Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ

Biểu tượng văn hóa, nơi bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Người

15:22, 26/02/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Được khởi công xây dựng ngày 19/5/2000, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khánh thành ngày 18/5/2003, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tại TP Vinh là một công trình văn hóa có giá trị đặc biệt và ý nghĩa chính trị quan trọng, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, thể hiện tấm lòng kính yêu của nhân dân tỉnh Nghệ An và nhân dân cả nước đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân dân Nghệ An, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội mà còn là một địa chỉ đỏ, nơi tìm hiểu về lịch sử truyền thống, về Chủ tịch Hồ Chí Minh của du khách khi hành hương về quê Bác.

Nhiều hoạt động chính trị - văn hóa đã được tổ chức tại Sân bán nguyệt của Quảng trường Hồ Chí Minh
Nhiều hoạt động chính trị - văn hóa đã được tổ chức tại Sân bán nguyệt của Quảng trường Hồ Chí Minh

Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là điểm nhấn của không gian, kiến trúc và tạo ấn tượng cho du khách mỗi khi đi trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Nơi đây cũng có một không gian khoáng đạt cùng những hàng vạn tuế đứng hai bên, những ô cỏ vuông vắn với hệ thống tưới phun và hàng trăm loài cây, hoa của khắp mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ về đây đua nhau khoe sắc thắm. Chính giữa Quảng trường là Tượng đài Bác Hồ uy nghi mà giản dị, vẫn phong thái ung dung tự tại, đôi dép cao su quen thuộc như ngày nào Bác về thăm quê. Toàn bộ Tượng đài Bác Hồ được làm bằng chất liệu đá granit lấy từ Bình Định, cao 18 m (phần thân tượng cao 12 m), nặng 150 tấn.

Tượng Bác dựa vào thế núi mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê của Người, một địa danh đã gắn bó với Bác từ thuở ấu thơ. Mặt trước của núi có trồng cây xanh tạo phông cho Tượng đài Bác, phía sau núi Chung tạo rừng nguyên sinh phục vụ hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi cho nhân dân và du khách đến thăm. Phía trước tượng Bác là khoảng không gian của Quảng trường gồm 99 ô cỏ xanh mướt, rộng 11 ha. Đây chính là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa - chính trị vào mỗi dịp lễ quan trọng và là nơi nhân dân Nghệ An, du khách tham quan hàng ngày.

Song song với việc xây dựng Quảng trường và Tượng đài Bác Hồ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định thành lập Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Theo Quyết định số 1288/QĐ.UB-TC ngày 10/4/2003 của UBND tỉnh về việc thành lập đơn vị sự nghiệp thì Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ có chức năng, nhiệm vụ chính: Tổ chức bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Sau 15 năm đi vào hoạt động, Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào công tác giáo dục, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đến với mọi tầng lớp nhân dân và khách quốc tế.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ban quản lý cho biết, ngoài chức năng, nhiệm vụ trên, Ban quản lý còn được giao tổ chức các hoạt động dịch vụ tăng nguồn thu cho đơn vị theo đúng quy định của Nhà nước. Cụ thể, tại Quyết định 4721/QĐ.UB/VX ngày 10/12/2004, UBND tỉnh đã có quyết định về việc cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Theo đó, đơn vị được tổ chức các hoạt động thu tiền dịch vụ gồm: Bán hàng lưu niệm, hoa tươi, văn hóa phẩm, nước uống đóng chai, dịch vụ điện thoại, chụp ảnh, giữ xe ôtô, xe máy, xe đạp… đảm bảo yêu cầu văn minh, lịch sự, an toàn và đúng chế độ tài chính hiện hành.

Tiếp đó, trên cơ sở đề nghị của Ban quản lý Quảng trường và Tượng đài Bác Hồ, ngày 30/11/2007, UBND tỉnh đã có Văn bản số 653/UBND.VX, đồng ý cho phép Hội Sinh vật cảnh Nghệ An được sử dụng khu đất phía Đông Nam và Tây Bắc núi Chung mô phỏng (phía đường Trường Thi và Hồ Tùng Mậu - P.V) hiện đang để trống vào mục đích trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm sinh vật cảnh. Việc sử dụng vùng đất nói trên phải đúng mục đích, không làm ảnh hưởng đến Quảng trường, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường… Riêng trong năm 2017, chỉ tiêu kế hoạch giao hoạt động thu sử dụng vào mục đích chi trả tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền làm thêm ngoài giờ... là 1.500.000.000 đồng, đơn vị đã thực hiện được 1.648.869.000 đồng, đạt 110%.

Xác định rõ tầm quan trọng của công trình có ý nghĩa chính trị - văn hóa mang tầm cỡ quốc gia nên lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã nỗ lực hết mình, không quản ngày đêm để bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị công trình. Kể từ ngày khánh thành công trình đến nay, Quảng trường đã tổ chức đón tiếp và làm tốt công tác dâng hoa tưởng niệm trước Tượng đài Bác Hồ và trồng cây lưu niệm cho đoàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh và các đoàn khách quốc tế, đồng bào trong và ngoài nước, du khách các nước tham quan, học tập, nghiên cứu. Ngoài ra, Ban quản lý còn phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Có thể thấy, là một công trình thể hiện tình cảm của người dân Nghệ An, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ có vị trí quan trọng trong lòng nhân dân và khách quốc tế, đã và đang phát huy tác dụng to lớn trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng của Người thấm sâu, lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.

Sông Lam

Các tin khác