(Congannghean.vn)-Lễ hội đền Cờn, phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai năm nay được chính thức khai mạc từ tối 7/3 và kết thúc vào tối 8/3/2018 (tức ngày 20 và 21/1 âm lịch ). Đây là lễ hội thường niên của đền Cờn và từ khi thành lập TX Hoàng Mai (2013) đến nay. Lễ hội đền Cờn cũng là thời điểm khai trương du lịch TX Hoàng Mai.
Đền Cờn từ lâu đã được dân gian xếp đứng đầu “Tứ Linh”: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền Cờn bao gồm đền Cờn trong và đền Cờn ngoài. Theo phả hệ đền Cờn và truyền miệng trong dân gian, đền Cờn trong tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông Mai Giang tấp nập trên bến dưới thuyền, thờ Tứ vị Thánh Nương nhà Nam Tống bao gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, Hoàng hậu Quách Thị và 2 Công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương. Đền Cờn ngoài tựa lưng vào núi Hùng Vương, ngoảnh mặt ra biển Đông, thờ vua Tống Đế Bính và 3 vị quan đại thần nhà Nam Tống là Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt và Văn Thiên Tường.
Lễ hội đền Cờn thu hút nhiều du khách “Trên bến, dưới thuyền” |
Theo sử cũ và ngọc phả đền Cờn ghi lại, vào thế kỷ 13, quân Nguyên Mông hung hãn đánh chiếm Trung Hoa, triều đình Nam Tống chống cự yếu ớt rồi tan rã, bỏ chạy ra biển, vua tôi nhà Nam Tống, kẻ tử trận, kẻ cùng đường phải nhảy xuống biển tự tử, trong đó có vua Tống Đế Bính và 3 vị quan đại thần nói trên. Riêng Tứ vị Thánh Nương (Thái hậu, Hoàng hậu và 2 Công chúa) ngồi trên thuyền trôi dạt trên biển, trôi xuống phương nam và dạt vào bờ biển làng chài Phương Cần (Quỳnh Phương ngày nay), được nhà sư chùa Quy Sơn cứu vớt.
Sau khi được cứu chữa, nuôi dưỡng, những người phụ nữ trong hoàng tộc này khỏe mạnh trở lại và rất xinh đẹp. Sau đó, họ gieo mình xuống biển tự tử khi nghe tin vua và triều thần đều chết. (Cũng có truyền thuyết rằng khi họ trở nên xinh đẹp thì bị các chú tiểu trêu ghẹo, hay khi vào đưa cơm cho nhà sư đang tụng kinh niệm phật trong đêm khuya thì bị hiểu nhầm, cùng với đó là tâm trạng buồn chán vì “nước mất nhà tan” nên Tứ vị đã quyên sinh…). Khi thi thể Tứ vị nổi lên, nhân dân trong vùng đã vớt lên chôn cất và lập đền thờ. Sau đó, nhân dân làng Phương Cần thờ vua Tống Đế Bính, các quan đại thần cùng với mẹ là Thái hậu. Đầu thế kỷ 19, vua Gia Long cho lập đền Cờn ngoài ở núi Hùng vương để thờ vua và các quan đại thần bởi quan niệm: “Nam nữ thụ thụ bất tương thân - nam nữ bất động cung” (nam nữ không thờ một nơi).
Tượng “Tứ vị Thánh Nương” được thờ ở đền Cờn trong |
Trải qua hơn 700 năm kể từ ngày xây dựng, do thời tiết khắc nghiệt cùng với sự biến thiên của lịch sử, đền Cờn đã xuống cấp và được sửa chữa nhiều lần. Từ khi đất nước đổi mới, đền Cờn được bảo vệ tôn tạo. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của tập thể và sự tâm huyết của một số cá nhân như ông Nguyễn Quý Tấn, nguyên Trưởng ban bảo vệ tôn tạo đền Cờn (nay ông Tấn đã mất), chị Nguyễn Thị Mai, chủ doanh nghiệp Phương Mai…, đền Cờn đã được tôn tạo như ngày nay và trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đền Cờn linh thiêng bậc nhất trong tứ linh ở Nghệ An bởi từ xưa đến nay, tại đền này người ta cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng tốt tươi, cầu đánh bắt được nhiều cá tôm, cầu thi cử đỗ đạt… đều ứng nghiệm. Đặc biệt, đền Cờn còn nổi tiếng bởi là ngôi đền duy nhất khi có tới 3 bậc đế vương vào cầu đảo đánh tan giặc giã và đều được toại nguyện. Đó là: Vào năm 1312, vua Trần Anh Tông khi đem quân vào đánh Chiêm Thành đã dừng nghỉ ở đền Cờn, nửa đêm nhà vua được thần nữ nước Tống báo mộng xin đi phù hộ đánh giặc.
Một góc đền Cờn trước ngày khai hội |
Tỉnh dậy, vua đã dâng lễ vật tạ ơn và trận đó vua đánh thắng giặc Chiêm. Trở về, nhà vua đã làm lễ tạ ơn và phong thần nữ đền Cờn là “Đại Càn quốc gia nam hải thánh mẫu thượng đẳng thần” (Vị Thánh mẫu ở Cửa Càn biển Nam hải nước Việt Nam được phong là thần bậc thượng đẳng). Anh hùng Lê Lợi trong 10 năm tiến hành cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1428) đã nhiều lần sai các tướng đem lễ vật về đền Cờn xin âm phù đánh giặc. Sau khi thắng lợi, lên ngôi vua, Lê Thái Tổ đã dùng nhiều mỹ từ tôn vinh, ca ngợi đền Cờn. Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông vào năm 1470 đã đem 5.000 chiến thuyền, 25 vạn quân đi đánh Chiêm Thành, qua đền Cờn dâng lễ vật, cầu đảo xin âm phù đi đánh giặc.
Trận đó nhà vua thắng to, bắt được cả vua Chiêm. Trên đường trở về, nhà vua quên không vào đền Cờn làm lễ tạ. Nhưng khi đi quá đền Cờn chừng 10 dặm thì trời đang quang đãng, gió nam thổi nhẹ bỗng đột nhiên tối sầm, gió đông bắc nổi lên ầm ầm, đẩy thuyền vua trở lại (hồi lại). Vua chột dạ, sai quan quân sắm lễ vật cùng mình vào đền làm lễ tạ. Vừa lễ xong, gió đông cũng ngừng thổi, trời trong xanh trở lại, vua trở về Thăng Long an toàn. Khu vực gió đông nổi lên đẩy thuyền vua trở lại, có tên Đông hồi từ đó, ngày nay thuộc xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai.
Sự linh thiêng của đền Cờn làm cho khách thập phương đi lễ quanh năm rất đông. Đặc biệt trong lễ hội, với nội dung phong phú và thời gian kéo dài nhiều ngày đã thu hút du khách thập phương ngày càng đông. Trước tình hình đó, Ban tổ chức đã có sự chuẩn bị chu đáo để lễ hội đền Cờn diễn ra an toàn. Năm nay, Ban tổ chức sẽ bố trí nhân viên phục vụ cho mỗi du khách chỉ thắp một que hương, hiện tượng rải tiền lẻ, người ăn xin sẽ được giải quyết triệt để, khu vực đền được đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh sạch sẽ. Số điện thoại, đường dây nóng sẽ được công khai và niêm yết tại nhiều khu vưc trong đền để du khách khi cần thiết sẽ được trợ giúp… Tất cả đã chuẩn bị chu đáo cho lễ hội lớn sẽ được khai mạc vào tối 20/1 âm lịch.
Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên - quê Bác, đền Cờn, đền Quả Sơn, đền ông Hoàng Mười, đền Cuông… đang tạo thành những địa chỉ du lịch tâm linh, thu hút du khách về với mảnh đất Nghệ An “địa linh nhân kiệt”. Và đền Cờn, với sự linh thiêng bậc nhất sẽ là điểm nhấn đặc biệt của du lịch tâm linh, giúp cho ngành công nghiệp không khói của TX Hoàng Mai và tỉnh Nghệ An phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
.