Văn hóa - Giáo dục
Vướng mắc trong việc dẹp bỏ linh vật ngoại lai
(Congannghean.vn)-Tiếp tục chiến dịch loại trừ linh vật ngoại lai, đã đến lúc phải xử lý nghiêm những vi phạm. Đó là chỉ đạo của bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch (VH-TT&DL) tại cuộc họp được tổ chức vừa qua.
Cần dẹp bỏ linh vật ngoại lai |
Với nội dung tiếp tục tăng cường thực hiện Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ VHTT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tại Nghệ An, tháng 8/2014, sau Công văn của Bộ VH-TT&DL, là tỉnh đi đầu trong chiến dịch dẹp bỏ linh vật ngoại lai. Minh chứng đã có hành trăm đôi sư tử đá, đèn đá và nhiều hiện vật lạ không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc đã được đưa ra khỏi không gian các di tích, nơi thờ tự, trụ sở các cơ quan và không gian cộng đồng. Qua đó, đã gửi gắm nhiều thông điệp tốt đẹp về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo ông Hồ Mạnh Hà, Phó phòng Quản lý di sản, Sở VH &TT, cho biết: Sau 3 năm triển khai, về cơ bản các địa phương có di tích cộng đồng thực hiện tốt, các di tích xếp hạng không còn linh vật ngoại lai. Tại các trụ sở cơ quan thì chuyển biến ít hơn. Năm 2017, Sở VH&TT Nghệ An đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các di tích ở các cơ sở, các địa phương. Một số di tích, công sở đã chủ động tiến hành tháo dỡ, di dời các linh vật ngoại lai. Sở đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý di tích các huyện, thành, thị xã, trong đó có nhắc nhở không sử dụng linh vật ngoại lai tại các di tích lịch sử. Nếu như trước đây chỉ bằng hình thức nhắc nhở thì giờ đây đã có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Thực tế, việc tuyên truyền di dời biểu tượng, hiện vật lạ cần phải tế nhị bởi nó đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt nói chung, xứ Nghệ nói riêng. Nhiều người cho rằng, linh vật đã “nhập thần” đầy “linh khí” của đền, chùa nên ngại di dời, xử lý. “Trước khi tiến hành di dời, địa phương phải làm thủ tục thắp hương tại di tích, sau đó thông báo cho cá nhân cung tiến hiện vật. Ngoài việc di dời thì cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành”, vị Trưởng phòng VHTT huyện cho biết. Tại một số di tích lại không phân biệt được đâu là linh vật thuần Việt, đâu là ngoại lai nên còn mông lung, mơ hồ. Với các di tích lịch sử văn hóa xếp hạng về cơ bản không còn nữa nhưng đối với các doanh nghiệp, các hộ tư nhân thì sư tử đá vẫn là mặt hàng có giá trị để về “trấn trạch”.
Thiết nghĩ, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua các hoạt động như triển lãm hình ảnh linh vật thuần Việt để người dân tìm hiểu về cách tạo hình cũng như ý nghĩa văn hóa linh vật trong đời sống tâm linh của người Việt. Chỉ khi có ý thức, hiểu biết thì mới có thể bảo vệ được nét đẹp giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; đồng thời, Sở VH&TT phối hợp với các địa phương, các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc mình.
Phan Tuyết