Văn hóa - Giáo dục
'Phóng sinh' cá chép: Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt
16:00, 08/02/2018 (GMT+7)
Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người dân thường tổ chức lễ cúng Táo quân và thả cá chép “phóng sinh”. Đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa tâm linh mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Truyền thuyết kể lại rằng, hằng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện-ác của loài người.
Sau đó, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Chính vì vậy, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị 2 hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Cúng ông bà tổ tiên hay lễ cúng ông Công ông Táo thường diễn ra vào buổi sáng, có thể cúng trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa (giờ Ngọ) ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm dân gian, đây là khoảng thời gian thích hợp để kịp giờ ông Công, ông Táo lên thiên đình.
Sau khi cúng xong sẽ đem "phóng sinh" ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời. Đây là tín ngưỡng dân gian giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta sống tích cực, lương thiện, làm việc tốt …
Bà Nguyễn Thị Hải (Thụy Khuê) cho biết, nhiều năm trước bà thường mang cá ra hồ Tây để thả vì nước ở đó trong sạch hơn, trước khi thả cần đọc bài khấn phóng sinh và cầu mong những điều tốt lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước.
“Đây là phong tục từ đời cha ông truyền lại nên năm nào cũng vậy, sau khi lễ ông công, ông táo xong, tôi cùng con và các cháu đem cá chép vàng ra hồ thả. Năm nào mà không đi thả cá, tôi cảm thấy không làm trọn vẹn được ngày lễ”, bà Hải chia sẻ.
Theo các chuyên gia, bỏ qua vấn đề tín ngưỡng và tâm linh, việc thả cá Chép như một hình thức phóng sinh sẽ góp phần tái tạo nguồn lợi ngoài tự nhiên. Điều này càng thực tế khi cá chép là loài dễ sống, dễ sinh sản và sinh trưởng trong nhiều thủy vực nước ngọt khác nhau.
Tuy nhiên, việc thả cá chép cũng cần phải đúng kỹ thuật, khi thả cá nên nhẹ nhàng và từ từ để tránh va chạm mạnh làm cá chết cũng không nên thả cả túi nilong vì ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường.
Diệu Anh