Văn hóa - Giáo dục
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018
(Congannghean.vn)-Nghệ An là mảnh đất của các lễ hội truyền thống. Mỗi vùng đất, miền quê với những phong tục, tập quán, điều kiện, cách tổ chức, đặc trưng riêng đã tạo nên sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức cho các lễ hội ở Nghệ An.
Viết thư pháp tại Lễ hội Vua Mai, huyện Nam Đàn |
Hiện, Nghệ An có 28 lễ hội nằm trong danh mục quản lý của tỉnh, trong đó có đến 10 lễ hội đầu Xuân. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, năm 2017, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực, đảm bảo an toàn, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Phần lễ được tổ chức đảm bảo trang nghiêm, thành kính, tạo không khí thiêng liêng của lễ hội theo trình tự lễ tâm linh - khai mạc lễ hội. Phần hội với nhiều hoạt động tạo không khí tươi vui, gắn kết cộng đồng. Một số lễ hội có nghi lễ, các trò chơi dân gian, phát huy bản sắc văn hóa của lễ hội như: Lễ hội đền Đức Hoàng với trò chơi thi đánh trống tế, giao lưu các câu lạc bộ ca trù; lễ hội Pu Nhạ Thầu với chương trình nghệ thuật quần chúng giữa các dân tộc thiểu số, thi trang phục dân tộc, cồng chiêng, khắc luống; lễ hội đền Chín Gian thi viết chữ Thái Lai Pao…
Tại các lễ hội, công tác đảm bảo ANTT được Ban tổ chức quan tâm chú trọng. Hầu như các lễ hội đều xây dựng phương án, các biện pháp tích cực và bố trí các lực lượng nhằm đảm bảo ANTT, ATGT, phòng chống cháy nổ, dịch vụ tại lễ hội. Chỉ đạo phân công trực (huyện, xã, ban quản lý) bố trí trông giữ xe, chống trộm cắp, trò chơi trá hình, ăn xin được khắc phục tốt hơn.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động lễ hội: Phần nghi lễ trong các lễ hội đã được xã hội hoá mạnh mẽ từ các đội tế, kinh phí cho phần lễ được huy động từ nguồn công đức. Phần hội với các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, các đoàn rước trong lễ hội cũng được xã hội hoá theo hướng thu hút sự tham gia của đông đảo người dân ở các xóm, làng, bản trên địa bàn. Công tác trang trí tuyên truyền trực quan về lễ hội chủ yếu huy động các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tài trợ thực hiện. Công tác vệ sinh môi trường được các huyện thực hiện với phương châm “trường học tích cực, học sinh thân thiện”, huy động học sinh các trường học trên địa bàn tham gia thu gom rác thải, làm sạch khu vực diễn ra lễ hội. Một số lễ hội làm tốt công tác xã hội hoá như: Lễ hội đền Thanh Liệt, lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội đền Vua Mai, lễ hội đền Cờn, lễ hội Pu Nhạ Thầu, lễ hội đền Đức Hoàng…
Tuy nhiên, có một thực tế, lễ hội là hoạt động văn hóa có sự tham gia của nhiều người trong một không gian và thời gian hẹp nên khó quản lý chặt chẽ. Việc phục hồi lễ hội đã bị mai một trong một thời gian dài với đầy đủ phần nghi lễ và phần hội truyền thống, bản sắc cần phải căn cứ vào các cứ liệu khoa học và phải được nghiên cứu kỹ, có sự đầu tư thích đáng. Trừ một số lễ hội lớn như lễ hội du lịch Cửa Lò, lễ hội đền Hoàng Mười, lễ hội đền Cờn thì các lễ hội chưa có ảnh hưởng lớn, chủ yếu mới thu hút sự tham gia của nhân dân địa phương, chưa trở thành những điểm đến hấp dẫn của du lịch.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền giới thiệu về lễ hội, di tích và việc thực hiện nếp sống văn minh còn hạn chế. Một số lễ hội công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo: Thiếu các thùng đựng rác được bố trí hợp lý trong khu vực lễ hội, xả rác thải không đúng nơi quy định. Việc quy hoạch lễ hội nói chung, quy hoạch dịch vụ nói riêng chưa hợp lý. Chủ yếu là dịch vụ ăn uống, thiếu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, còn có việc tổ chức phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích và lễ hội (tại Lễ kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại đền Vua Quang Trung) dẫn đến tình trạng chen lấn lộn xộn...
Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt là trong dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đến UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn có các hoạt động lễ hội cần thực hiện theo đúng kịch bản, kế hoạch, và chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội, vận động nhân dân thay đổi những tập tục không còn phù hợp với nếp sống văn minh trong lễ hội. Kiên quyết không để các hành vi phản cảm như chen lấn, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn mày... diễn ra trong lễ hội. Thực hiện quy hoạch, bố trí sắp xếp khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, phù hợp với không gian di tích. Xây dựng phương án đảm bảo ANTT, an toàn tính mạng cho người tham gia lễ hội và du khách; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông. Đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội và du khách, chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Phan Tuyết