Văn hóa - Giáo dục
Cần chú trọng phát triển hệ thống thư viện nhà trường
(Congannghean.vn)-Hoạt động thư viện hiệu quả cũng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao văn hóa đọc, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục toàn diện của tỉnh. Việc đầu tư vào công tác thư viện giúp học sinh làm giàu thêm tri thức, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và tư duy độc lập trong học tập. Tuy nhiên, hiện nay, công tác thư viện chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, học sinh vẫn còn thờ ơ với cách tìm kiếm thông tin truyền thống qua sách, báo…
Học sinh Trường Tiểu học Văn Sơn, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương đọc sách ở thư viện mở của trường vào giờ ra chơi - Ảnh: Phan Tuyết |
Thực trạng đáng buồn
Theo Điều 1, Quy chế về tổ chức hoạt động thư viện trường phổ thông quy định: “Thư viện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về khoa học thư viện và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp giảng dạy và học”. Tại Nghệ An, hầu như bậc học nào cũng đều có thư viện. Tuy nhiên, số lượng học sinh lên thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ đông hơn khi kỳ thi học kỳ gần đến. Hầu hết học sinh bây giờ đều bận bịu với lịch học dày đặc, học thêm các môn văn hóa, kỹ năng sống… nên ít em có tư tưởng lên thư viện trường để đọc sách, tham khảo tài liệu hay ôn bài.
Mặt khác, hiện nay mạng internet ngày càng phát triển rộng khắp, chỉ cần ngồi một chỗ và với một cú click chuột là có thể tìm được thông tin một cách nhanh chóng. Bởi thế, đa số học sinh đang quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh, máy tính và ngày càng thờ ơ với thư viện, cách tìm kiếm thông tin truyền thống. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng đầu sách trong thư viện không đáp ứng được nhu cầu đọc, mượn của học sinh; nghiệp vụ của cán bộ làm công tác thư viện chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng trong các hoạt động của thư viện. Trong khi thư viện trường học chưa thu hút được học sinh thì những trò chơi điện tử, kéo theo sự tiêm nhiễm bạo lực cũng như những văn hóa lai căng pha tạp khiến các em rất dễ bị sa ngã.
Nỗ lực từ ngành giáo dục
Xác định được tầm quan trọng của công tác thư viện nhà trường nên ngành Giáo dục luôn xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngay từ đầu các năm học, ngành đã chỉ đạo phòng Giáo dục các huyện, thành, thị tập trung nâng cao chất lượng dạy và học thông qua xây dựng thư viện gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Để thư viện ngày càng thu hút học sinh, từ trường tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh đều tập trung phát triển thư viện thân thiện, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận thông tin, xây dựng thói quen đọc sách và tích cực tham gia các hoạt động của thư viện...
Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn chỉ đạo các nhà trường tổ chức nhiều hình thức, hoạt động phong phú như giới thiệu trưng bày sách, thi tìm hiểu sách… để tạo hứng thú đến thư viện đọc sách cho học sinh; đồng thời, phối hợp với thư viện phường, xã, thành phố và vận động các tổ chức, cá nhân cho mượn, trao đổi hoặc tài trợ sách, tài liệu cho thư viện. Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực xây dựng thư viện trường học, huy động phụ huynh học sinh tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục chỉ đạo các nhà trường đầu tư kinh phí cho phát triển vốn sách, tài liệu…; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện. Đặc biệt, ngành Giáo dục chú trọng quan tâm xây dựng các thư viện mở như: Thư viện góc lớp, thư viện ngoài trời, thư viện xanh... Thiết nghĩ, để thư viện trường học phát triển, không chỉ cần sự nỗ lực của ngành Giáo dục mà rất cần sự chung tay góp sức của phụ huynh, học sinh, các cấp, ngành và toàn xã hội.
Thu Thủy