Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201802/nhung-quan-diem-cuc-doan-ve-doi-tac-doi-tuong-cua-viet-nam-hien-nay-782129/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201802/nhung-quan-diem-cuc-doan-ve-doi-tac-doi-tuong-cua-viet-nam-hien-nay-782129/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những quan điểm cực đoan về đối tác, đối tượng của Việt Nam hiện nay - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 23/02/2018, 15:12 [GMT+7]

Những quan điểm cực đoan về đối tác, đối tượng của Việt Nam hiện nay

 
Trong thời gian gần đây, lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, tín ngưỡng, tôn giáo và các vấn đề xã hội khác, những phần tử cơ hội chính trị ở trong nước cấu kết cùng với các thế lực thù địch ở nước ngoài tiếp tục đưa ra những luận điệu tuyên truyền, kiến nghị, đòi hỏi sai trái, cực đoan. 
 
Hàng ngày, họ phát tán trên mạng Internet hàng trăm tài liệu, từ xuyên tạc, lật ngược, bác bỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến vu cáo, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo và quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong lịch sử và thành quả trong 30 năm đổi mới đất nước… nhằm làm cho mọi người nhầm lẫn, dao động, hoài nghi, xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
 
Trong đó, đáng quan tâm là luận điệu kiến nghị đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang ta cần phải “xác định rõ ràng và chính xác đối thủ, không biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù”, từ đó “phải liên minh với các nước cho phù hợp với xu thế của thời cuộc”.
 
Luận điệu kiến nghị, đòi hỏi trên thể hiện nhận thức họ về tư duy mới của Đảng trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay chưa đầy đủ và cực đoan. Đảng ta, Nhà nước ta hoàn toàn không “mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù”. Điều này được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:
 
Xác định đúng đối tượng, đối tác của Việt Nam là vấn đề quan trọng, căn cứ chủ yếu để đề ra chính sách đối nội, đối ngoại cùng với kế sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là một vấn đề tương đối “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta né tránh, để rồi rơi vào trạng thái mơ hồ, mất cảnh giác, mất tính chiến đấu và khó có thể vạch ra chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Về vấn đề này Đảng ta khẳng định rõ:“Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”(1).
 
Quan điểm của Đảng ta nêu trên vừa có tính khái quát cao, vừa đầy đủ, làm cơ sở để nhận thức và xử lý quan hệ đối tác, đối tượng một cách bình tĩnh, sáng suốt, hiệu quả trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới hiện nay đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường, xong hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.
 
Về đối tác của Việt Nam, Đảng ta khẳng định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”. Căn cứ xác định đối tác được Đảng ta đặt lên trước – điều này vừa bảo đảm sự phù hợp với các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế vừa phù hợp với quan điểm của Đảng ta lấy đối tác làm cơ sở thiết lập quan hệ quốc tế: “Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”(2); “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(3). Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam cũng ngày càng lớn và được các đối tác tin cậy.
 
Do đó, Đảng ta đã khẳng định rõ ràng chúng ta sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với những đối tác nào tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với chúng ta; chứ không phải chỉ dừng lại ở mức độ“chủ trương” như trước đây. Mặc dù vậy, để bảo đảm tính khách quan, toàn diện thì khi nhận thức về vấn đề đối tác cần phải đặt nó trong mối quan hệ với vấn đề đối tượng ngày nay.
 
Về đối tượng đấu tranh của Việt Nam, Đảng ta khẳng định:“... bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Đây là một sự khẳng định khôn khéo, mềm dẻo của chúng ta trong quyết tâm bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam và mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
 
Đối tượng đấu tranh của Việt Nam được hiểu không chỉ là thế lực có âm mưu, hành động gây chiến tranh, bạo loạn lật đổ, mà còn là những kẻ xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam; chống lại sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn bằng phương thức vũ trang và phi vũ trang, cả từ bên ngoài và bên trong. Ai là đối tượng không phải tự chúng ta áp đặt mà do chính âm mưu và hành động của họ quyết định.
 
Như vậy, mặc dù Đảng ta không vạch tên, chỉ mặt cụ thể ai là đối tượng, không tạo ấn tượng hiềm khích với ai, nhưng sự khẳng định trên cũng đủ để vừa quy tụ ý chí, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vừa đề cao được lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc.
 
Về tính biện chứng giữa đối tượng - đối tác, Đảng ta chỉ rõ “...trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Như vậy Đảng ta đã quan niệm một cách khái quát, khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn về tính biện chứng trong mỗi đối tượng, mỗi đối tác, chứ không chỉ dừng lại ở mỗi đối tượng, một số đối tác như trước đây.
 
Thực tế đã khẳng định về tính đúng đắn của quan điểm này, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tính cạnh tranh song hành cùng tính lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đang ngày càng gia tăng. Như vậy, đối tượng và đối tác luôn tồn tại trong một thể thống nhất. Do đó, sẽ có những đối tác rất đáng tin cậy, rất khó có khả năng chuyển hóa thành đối tượng, nhưng cũng có những đối tác có thể bị chuyển hóa thành đối tượng trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn cảnh giác.
 
Về chủ trương ứng xử đối với những mặt mâu thuẫn, khác biệt về lợi ích ở đối tác với chúng ta. Quan điểm về vấn đề đối tượng, đối tác của Đảng thể hiện tính cách mạng sâu sắc, đó là trong thực tiễn vấn đề tồn tại những điểm mâu thuẫn, khác biệt về lợi ích giữa nước ta với mỗi đối tác là tất yếu. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chấp nhận, chúng ta“cần phải đấu tranh”.
 
Bằng sự mưu trí, sáng tạo để “đấu tranh”nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng tin, tăng cường tính đồng thuận, mở ra các thời cơ thuận lợi, tranh thủ tận dụng được những ưu điểm của mỗi đối tác để giúp chúng ta phát triển nhanh và bền vững. Mặt khác, hạn chế tiến tới triệt tiêu các mâu thuẫn, lực cản phát sinh ở mỗi đối tác, mà không phải là nhằm mục tiêu triệt tiêu đối tác.
 
Như vậy, Đảng ta đã thể hiện rõ quan điểm về đối tác, đối tượng của Việt Nam, quan điểm cũng chỉ rõ sự đan xen, chuyển hoá phức tạp giữa đối tác và đối tượng, ngay trong từng đối tượng vẫn có mặt đối tác, cần tranh thủ hợp tác; sự chuyển hoá giữa đối tượng, đối tác phụ thuộc rất lớn phương thức ứng xử của chúng ta.
 
Quan điểm của Đảng đã quán triệt tư tưởng đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia dân tộc với mục tiêu xuyên suốt là giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chế độ chính trị XHCN, kết hợp chặt chẽ với tạo dựng môi trường thuận lợi cho xây dựng đất nước. Nhận thức và xử lý quan hệ đối tác, đối tượng theo quan điểm của Đảng không phải là sách lược nhất thời mà là chủ trương cơ bản, nhất quán, lâu dài. Lịch sử dân tộc cũng như thực tiễn hoạt động của Đảng đã chứng tỏ điều đó và được thế giới thừa nhận.
 
Bằng quan điểm, đường lối lãnh đạo đúng đắn đó, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong số 193 quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc (trong đó, quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia và quan hệ đối tác toàn diện với 11 quốc gia), tham gia hơn 70 tổ chức quốc tế và đóng vai trò là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của các tổ chức này; thiết lập quan hệ kinh tế thương mại với 245 quốc gia và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ quốc phòng với 80 quốc gia.
 
Với những nỗ lực của Việt Nam và các đối tác, chiều sâu và mức độ thực chất trong quan hệ với các quốc gia được nâng lên một tầm vóc mới… góp phần tạo thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày một tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra môi trường và những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
 
Nhận thức sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng nói chung và quan điểm của Đảng về đối tác, đối tượng của Việt Nam nói riêng là cơ sở để củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, góp phần phòng chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” làm thất bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 
Thượng tá, Ths Uông Thiện Hoàng Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
.

Nguồn: CAND

.