Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201802/doc-dao-ruou-men-la-781568/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201802/doc-dao-ruou-men-la-781568/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Độc đáo rượu men lá - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 18/02/2018, 09:31 [GMT+7]

Độc đáo rượu men lá

(Congannghean.vn)-Đối với đồng bào miền Tây xứ Nghệ, ly rượu nồng ấm luôn hiện hữu, thường trực trong đời sống văn hóa. Đặc biệt hơn, mỗi dịp Tết đến Xuân về, ly rượu được ví như cầu nối để mọi người xích lại gần nhau, cùng chúc nhau năm mới an lành, may mắn. Ngoài đặc sản rượu cần thường thấy ở đồng bào các dân tộc thì người Thái ở huyện miền núi Con Cuông có một sản phẩm mang nét đặc trưng riêng biệt, đó chính là rượu men lá.

Để có được những ly rượu men lá nồng ấm là cả một quá trình chế biến hết sức công phu, bài bản ngay từ khâu làm men, ủ rượu đến chưng cất, bảo quản rượu. Qua lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi tìm về xã Đôn Phục, huyện Con Cuông - nơi được xem là “thủ phủ” của sản phẩm rượu men lá, nức tiếng từ xa xưa. Theo người dân ở đây cho biết, công thức chưng cất rượu men lá được cha ông truyền lại cho người Thái. Tuy nhiên, do cách làm men lá quá công phu, trong khi các loại men rượu “ngoại lai” tràn về với giá rẻ nên một thời gian dài rượu men lá có phần bị lãng quên. Gần đây, cùng với quá trình xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, rượu men lá đã và đang được khôi phục lại như một nét văn hóa đặc sắc của người Thái ở Con Cuông.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, việc sản xuất rượu men lá đang lan tỏa ở nhiều xóm, bản ở huyện Con Cuông. Tuy nhiên, theo những người am hiểu về rượu men lá thì hiện chỉ có một số gia đình sản xuất được rượu men lá “xịn”. Trong đó, bà Lang Thị Thuận (61 tuổi) trú tại bản Phục, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông là một trong những người có kinh nghiệm hơn 30 năm làm men lá, nấu rượu. Bà Thuận cho biết: Hiện, mỗi tháng tổ nấu rượu của bà cho ra thị trường hơn 2 nghìn lít rượu men lá, sản phẩm sản xuất được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, nhiều khi không đáp ứng đủ thị trường. Ngoài sản xuất rượu, sản phẩm men lá của bà Thuận cũng được xem là một thứ “hàng hiếm”, ai muốn mua phải đặt hàng trước cả tháng trời.

So với việc chưng cất rượu gạo của người Kinh, để có những giọt rượu men lá thơm nồng, người phụ nữ Thái phải bỏ ra rất nhiều công sức, các công đoạn đòi hỏi tính cẩn trọng, kỹ lưỡng, không cho phép bất kỳ sự cẩu thả nào. Theo bà Thuận, khi làm men lá, người làm phải hết sức tuân thủ tỉ lệ hàm lượng các thảo dược trong pha chế, chỉ cần một sơ suất nhỏ, mẻ men đó xem như vứt đi. Men lá của bà làm được ủ lên từ 12 loại thảo dược tự nhiên, trong đó có những thảo dược không thể thay thế, như: Củ cao khỉ, cây thán máu, củ khúc khắc… Các thảo dược dùng để làm men đều có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tố, phục hồi sức khỏe. Thảo dược sau khi lấy về được tách phần lá, rễ, thân rồi rửa sạch, phơi khô, sau đó xay nhỏ thành bột mịn, tất cả các hỗn hợp trên được pha trộn theo “bí quyết” riêng. Đây cũng được xem là khâu quan trọng nhất, quyết định thành công của mẻ men. Sau đó, dùng nước rượu cuối cùng (rượu bào) để trộn với bột nếp, vắt thành từng viên, các viên men được rải đều trên chiếc nong có lớp vỏ trấu chống dính, cất vào chỗ ẩm. Khoảng 7 ngày, khi viên men được ủ chín có màu mốc xanh sẽ cho lên gác bếp củi để men được tráng qua lớp bồ hóng, giúp men thẩm thấu vị mặn chát của khói bếp thì nấu rượu mới ngon, đậm đà. Sau khi hong gác bếp khoảng 7 - 10 ngày mới đem vào sử dụng.

Gạo dùng để chưng cất rượu men lá là loại gạo tẻ hoặc gạo nếp. Nếu gạo tẻ thì nấu chín khô, gạo nếp thì phải hông lên, đôi khi cần hông cả trú để trộn thêm vào cho có mùi thơm. Sau khi nấu cơm hoặc hông xôi xong thì dùng 1 cái nong lớn để tải cơm ra cho nguội, trộn men lá theo tỉ lệ 700 gam men lá/10kg gạo, trộn đều hỗn hợp men và gạo, cho vào chum đậy kín, ủ liên tục từ 7 - 10 ngày rồi đưa ra chưng cất để lấy 10 lít rượu men lá. Quá trình trộn men vào gạo để ủ cũng cần tuân thủ quy tắc nhất định, nếu bỏ ít men hơn sẽ không có rượu, bỏ nhiều men thì rượu sẽ có vị đắng, không thơm, bà Thuận cho biết thêm.

Rời gia đình bà Thuận, chúng tôi đến gia đình bà Vi Thị Hoàng ở bản Xiềng, xã Đôn Phục khi các thành viên trong tổ nấu rượu đang đỏ lửa, những giọt rượu men lá nồng ấm như xua tan thời tiết giá lạnh ngày cuối đông. Bà Hoàng cho biết, để có được mẻ rượu ngon, công đoạn nấu rượu cũng hết sức quan trọng. Rượu được ủ xong sẽ vớt phần bã gạo cho vào bì xác rắn, phần nước cốt cho vào chiếc nồi lớn, dưới đáy nồi dùng một cái vỉ để “cách thủy”, sau đó bỏ bì xác rắn đựng bã gạo lên rồi đốt lửa. Lửa nấu rượu phải cho cháy từ từ, nếu quá đỏ hương rượu sẽ không thơm ngon. Mỗi kg gạo sẽ chưng cất để lấy 1 lít rượu. Rượu sau khi chưng cất sẽ dùng một tấm vải gấp thành 3 lớp để lọc bỏ các tạp chất, làm cho rượu trong hơn. Nếu các gia đình có điều kiện, rượu được cất trữ trong chum, chóe càng lâu, vị thơm nồng càng đậm đà.

Rượu men lá được bà Vi Thị Hoàng bảo quản bằng chum sành để có hương vị thơm nồng khi uống
Rượu men lá được bà Vi Thị Hoàng bảo quản bằng chum sành để có hương vị thơm nồng khi uống

Hiện nay, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông đã xây dựng các tổ, nhóm tham gia nấu rượu, mỗi tổ thường có 4 - 5 thành viên là hội viên hội phụ nữ. Điều đáng nói, việc khôi phục nghề nấu rượu từ men lá không những giữ được nghề truyền thống, mà còn đem lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Riêng tổ nấu rượu tại bản Phục của bà Thuận có 16 thành viên, mỗi tháng tập trung nấu rượu 1 lần (liên tục 10 ngày) với hơn 2 tấn gạo, cho ra sản phẩm hơn 2.000 lít rượu men lá. Trừ các chi phí mang về nguồn thu cho mỗi chị em trên dưới 3 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lô Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Đôn Phục cho biết: Nấu rượu men lá là nghề truyền thống của đồng bào Thái ở Con Cuông, hiện chúng tôi đang tìm cách để bảo tồn, phát triển. Trước mắt, địa phương đang cố gắng xây dựng làng có nghề và tiến tới xây dựng làng nghề trong tương lai. Còn ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay: Hiện, UBND huyện đang xây dựng đề án để bảo tồn và phát triển rượu men lá. Trong đó, chú trọng đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, đồng thời có các giải pháp tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Với quy trình sản xuất hết sức công phu, rượu men lá của đồng bào Thái ở Con Cuông khi uống có hương vị ấm, đậm và thơm đượm hương lá rừng nên rất dịu, êm ái. Đặc biệt, dù uống say thế nào cũng không gây đau đầu, khi say chỉ cần ngủ một giấc tỉnh dậy là khỏe khoắn, dễ chịu trở lại. Do vậy, thời gian gần đây, sản phẩm rượu men lá Con Cuông đang được nhiều người ưa chuộng.

.

Đức Thắng

.