(Congannghean.vn)-Côn Đảo, hòn đảo giữa trùng khơi trên biển cực Nam của Tổ quốc, trước kia được xem là “địa ngục trần gian”. Đây là nơi giam cầm, tra tấn hàng nghìn chiến sỹ cộng sản kiên trung với ý chí gan dạ, quật cường. Nay hòn đảo đã được bình chọn là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. những con người của thế hệ trước và thế hệ hôm nay đang tình nguyện gắn bó, cùng chung một khát vọng dựng xây đảo thiêng ngày càng giàu mạnh…
Chúng tôi may mắn có mặt trong Đoàn công tác của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và Công đoàn Công an Nghệ An tham gia hành trình về nguồn tại Côn Đảo (Bà Rịa, Vũng Tàu) vào cuối tháng 7/2017. Cũng như bao chiến sỹ trẻ khác trong Đoàn, với tâm trạng háo hức lần đầu tiên được đặt chân đến địa danh này. Từ Nghệ An, chúng tôi có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục hành trình đến với Côn Đảo. Dẫu khá mệt vì phải di chuyển nhiều nhưng tất cả đều chung một không khí vui vẻ, xúc động xen lẫn bồi hồi khi sắp sửa được đến với hòn đảo thiêng của Tổ quốc. Từ trên máy bay nhìn xuống, hòn đảo hiện ra sừng sững hiên ngang nhưng đầy thơ mộng giữa biển khơi. Côn Đảo đón chúng tôi bằng một cơn mưa và những cơn gió thổi lên từ biển càng khiến trời chiều lạnh hơn.
Đoàn công tác Công an tỉnh tham quan nhà tù ở Côn Đảo |
Hòn đảo thiêng của Tổ quốc
Con đường độc đạo nối sân bay Côn Đảo dẫn về trung tâm thị trấn kéo dài khoảng 10 km. Một bên là núi đá sừng sững với những chùm hoa giấy rũ xuống ven đường, một bên là biển trời mênh mông. Trước mắt chúng tôi là khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Chúng tôi bắt đầu hiểu vì sao Côn Đảo hiện nay được bình chọn là 1 trong hơn 20 khu du lịch thiên đường nghỉ dưỡng lý tưởng tại Việt Nam; đồng thời được tạp chí du lịch của thế giới bình chọn là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và lãng mạn nhất.
Chẳng thể ngờ rằng, nơi trước kia là “địa ngục trần gian”, giờ đây đã khoác lên mình một màu áo mới - màu của sự hồi sinh mãnh liệt. Vì thời gian ở đảo không nhiều nên chúng tôi chỉ kịp nghỉ ngơi ít phút rồi bắt đầu đi thăm các nhà tù Côn Đảo. Dẫu đã được học và nghe kể rất nhiều về sự tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù, nhưng khi tận mắt nhìn thấy những phòng biệt giam, những mô hình được dựng lại và lời giới thiệu của thuyết minh viên, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, kinh sợ. Hệ thống nhà tù với các trại giam Phú Hải, Phú Bình, Phú Tường là các phòng biệt giam, phòng tra tấn và các “chuồng cọp” kiểu Pháp với những đòn tra tấn tàn bạo nhất của bọn thực dân nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của chiến sỹ cách mạng. Nơi đây đã giam giữ, tra tấn hàng nghìn chiến sỹ cộng sản, trong đó có rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ. Thế nhưng, sự tàn bạo của kẻ thù chẳng thể nào dập tắt được ý chí quật cường, tinh thần kiên trung của họ.
Chúng tôi đến nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng, trong đó có chị Võ Thị Sáu - người con gái Đất Đỏ anh hùng. Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương đông nghịt người nhưng yên ắng, tôn nghiêm đến lạ thường. Lẫn trong tiếng gió lao xao là tiếng nhạc của bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vang lên xúc động và thiêng liêng. Trời càng khuya, dòng người đổ về nghĩa trang càng đông, trong đó phần lớn là khách du lịch thập phương nhưng cũng có rất nhiều người dân trên đảo. Trong tâm thức của người dân Côn Đảo, “cô Sáu” như một “vị thần” nên hằng ngày, nhất là vào mồng 1 và ngày rằm, họ đến đây thắp hương mong “cô Sáu” phù hộ để gặp nhiều may mắn, an yên trong cuộc sống. Khu mộ chị Võ Thị Sáu nghi ngút khói hương, từng đoàn người tự giác xếp hàng và lần lượt vào thắp hương viếng chị trong yên lặng. Người con gái Đất Đỏ kiên cường trước giờ ra pháp trường vẫn hiên ngang đã đi vào lịch sử. Người con gái ấy đã hóa thân vào cỏ cây, hồn thiêng sông núi để làm nên một Côn Đảo huyền thoại như ngày hôm nay.
Người nặng lòng với Côn Đảo
Đến Côn Đảo những ngày tháng 7, hành trang của CBCS Công an Nghệ An mang theo không chỉ là tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ. Dù lịch trình khá dày và di chuyển nhiều nhưng những món quà xứ Nghệ vẫn được chúng tôi gói ghém cẩn thận mang theo để gửi tặng lực lượng Công an địa phương và những cựu tù Côn Đảo.
Thăm hỏi, tặng quà cho cựu tù Nguyễn Xuân Viên |
Được sự dẫn đường của các đồng chí Công an huyện Côn Đảo, ngày hôm sau chúng tôi tới thăm các cựu tù Côn Đảo đã từng có thời gian dài bị giam giữ tại “địa ngục trần gian”. Hiện nay, ở đảo có 5 cựu tù còn sống, đó là các ông: Nguyễn Xuân Viên (Hai Viên), Nguyễn Văn Ước (Tư Hùng), Lê Văn Bảnh, Phan Hoàng Oanh (Bảy Oanh) và bà Nguyễn Thị Ni (Tư Ni). Sau ngày Côn Đảo giải phóng, họ đã tình nguyện ở lại nơi đây để thực hiện chung một khát vọng, đó là dựng xây Côn Đảo và gánh vác một phần việc vô cùng thiêng liêng. Trở về từ chốn địa ngục, mặc dù trên cơ thể vẫn còn in hằn những trận đòn roi, hành xác của kẻ thù nhưng họ vẫn cảm thấy vô cùng may mắn vì còn sống sót trong khi hàng nghìn, hàng vạn chiến sỹ cộng sản kiên trung đã vĩnh viễn nằm lại, máu xương hòa trộn trên hòn đảo nhỏ. Bởi thế mà chẳng ai bảo ai, họ đã tình nguyện ở lại để chăm sóc, hương khói cho đồng đội.
Trong số 5 cựu tù, duy nhất bà Tư Ni là nữ. Do có đoàn từ thiện tổ chức khám, chữa bệnh cho các người già ở địa phương nên bà cùng một số cựu tù khác đến UBND huyện từ sáng để thăm khám. Chúng tôi may mắn được gặp 3 trong số 5 cựu tù tại đây. Dù đã sắp sửa bước sang tuổi 80 nhưng bà vẫn rất minh mẫn. Đặc biệt, ký ức kinh hoàng về những ngày tháng bị giam giữ ở phòng giam số 6, trại giam số 2 (trại Phú Hải) vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của bà.
Cựu tù Nguyễn Thị Ni trò chuyện với phóng viên về những ngày bị giam cầm ở nhà tù của bọn thực dân |
Sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang, năm 1971, bà Tư Ni bị bắt khi đang hoạt động cách mạng ở Sài Gòn. Năm 1972, bà bị đày ra Côn Đảo. Những trận đòn roi, cực hình của kẻ thù khiến bà tưởng chừng như chết đi sống lại. “Chúng dùng rất nhiều hình thức tra tấn chị em chúng tôi. Nào dí điện vào đầu ngón tay, ngón chân, đánh đập tàn bạo, thậm chí trói tay, chân, dùng khăn bịt miệng và đổ nước xà phòng vào mũi hay đổ nước, rắc vôi bột xuống nền nhà… hòng đè bẹp bản lĩnh, ý chí cách mạng của chị em, nhưng tất cả đều không hé răng nửa lời”, bà Tư Ni nhớ lại.
Thời điểm đó có khoảng 500 nữ tù bị giam tại các nhà tù khác nhau. Có nhiều người không chịu đựng được đã hy sinh trong tù. Chỉ trong vòng 10 ngày, bà đã chứng kiến 3 người bạn của mình hy sinh. Đến giờ, bà vẫn còn cảm thấy mình may mắn được trả tự do sớm, chỉ cần chậm vài ngày nữa thì bà cũng đã phải bỏ mạng. Bởi thời điểm đó bà bị sưng gan và có triệu chứng của bệnh kiết lị - căn bệnh mà tất cả cựu tù Côn Đảo đều mắc phải. Nói là trả tự do sớm nhưng cũng phải đến tháng 3/1974, bà mới được thả.
10 năm sau ngày Côn Đảo giải phóng, bà trở lại thăm nơi mình từng bị giam giữ và nghĩa trang Hàng Dương. Cũng trong lần trở lại này, bà đã đề đạt nguyện vọng của mình với chồng, đó là ở lại Côn Đảo để hương khói cho đồng đội. Hiểu được tâm nguyện của vợ, chồng bà đồng ý và 2 ông bà làm đơn xin chuyển công tác vào Côn Đảo. Trở về Côn Đảo, bà làm Phó thư ký Công đoàn huyện cho đến lúc nghỉ hưu. Hiện, bà là Phó ban liên lạc cựu tù Côn Đảo. Từ đó đến nay, dù bận đến mấy thì mỗi tuần 1 lần, bà đều đến nghĩa trang Hàng Dương thắp hương và trò chuyện với các đồng đội.
CBCS trẻ tình nguyện ra đảo
Trong chuyến về nguồn tại Côn Đảo lần này, chúng tôi được sự hướng dẫn nhiệt tình của Công an huyện Côn Đảo. Để thuận tiện trong mọi công việc, đơn vị đã cử Thượng sỹ Lê Trung Hiếu, cán bộ Đội Tổng hợp là người Nghệ An tháp tùng Đoàn. Thượng sỹ Hiếu quê ở huyện Thanh Chương, sau khi tốt nghiệp đại học, anh tình nguyện ra Côn Đảo công tác. Cùng với Hiếu, còn có rất nhiều người con của miền Trung đã tình nguyện xin ra đảo góp sức mình để bảo vệ và xây dựng hòn đảo thiêng của Tổ quốc. Trong đó có tới 10 CBCS quê ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Đồng chí Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Qua những bài học lịch sử và lời kể của mọi người, em luôn ao ước một lần được đến với Côn Đảo để tìm hiểu nơi đã giam cầm các chiến sỹ cách mạng. Càng bị áp bức, cực hình, họ càng vùng lên đấu tranh, biến nơi địa ngục thành vườn ươm cách mạng. Trước những đóng góp và hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, em cảm thấy 1 người trẻ tuổi như mình phải làm điều gì đó. Đó là động lực thôi thúc em đến Côn Đảo công tác, góp phần nhỏ bé bảo vệ bình yên cho hòn đảo nhỏ anh hùng”.
Để giáo dục truyền thống và tôi luyện ý chí bản lĩnh cách mạng cho các chiến sỹ trẻ, mỗi CBCS ra đảo nhận nhiệm vụ như Hiếu đều phải trải qua khóa huấn luyện nghiêm ngặt gắn với giáo dục truyền thống đặc biệt tại “địa chỉ đỏ” trên đảo. Điều này nhằm giúp CBCS hiểu được lịch sử, quá khứ hào hùng của mảnh đất anh hùng; từ đó, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với những người đã hy sinh anh dũng cho Côn Đảo hồi sinh như ngày hôm nay. Vì vậy, dẫu xa đất liền, xa gia đình, cuộc sống ở đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng CBCS người Nghệ nói riêng và CBCS Công an Côn Đảo nói chung đều cống hiến hết mình, giữ bình yên từng tấc đất thiêng của Tổ quốc, để rồi tình yêu với Côn Đảo cứ thế lớn dần và bền chặt theo thời gian.
Một góc biển trời Côn Đảo |
Bước đi giữa hòn đảo thiêng, chúng tôi cảm nhận được sự bình yên, đặc biệt là sự thân thiện và đôn hậu của người dân địa phương. Theo lời giới thiệu của đồng chí Lê Trung Hiếu thì tình hình ANTT ở huyện đảo rất đảm bảo. Hằng năm, hầu như không có trọng án, cướp giật, có chăng cũng chỉ các vụ việc nhỏ do mâu thuẫn, xích mích. Xe máy có để cả đêm ngoài đường quên không khóa, sáng mai ra vẫn còn nguyên. Đồng chí Hiếu còn hài hước rằng, kẻ xấu có thực hiện hành vi phạm tội ở trên đảo này thì cũng chạy đâu cho thoát.
Tết về trên Côn Đảo
Năm nay là năm thứ 5 Thượng sỹ Lê Trung Hiếu đón Tết ở Côn Đảo. Gác lại những nỗi niềm riêng, nỗi nhớ nhà, Hiếu cũng như tất cả CBCS từ mọi miền Tổ quốc ra đây công tác đều hòa chung niềm vui đón mừng năm mới. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng vào dịp Tết, đơn vị luôn tạo điều kiện để CBCS có một cái Tết đủ đầy, yên vui. Chuyến tàu cuối cùng từ đất liền ra đảo là vào ngày 28 âm lịch, chở theo nhu yếu phẩm và không thể thiếu đào, mai và lá dong để CBCS gói bánh chưng trên đảo, đặc biệt là những món quà của gia đình. Năm nào cũng vậy, từ chiều 29 Tết, đoàn viên, thanh niên đơn vị quây quần để gói bánh chưng, bày biện mâm ngũ quả, trang trí đào, mai để đón Tết. Dù không thể đón Tết cùng gia đình, người thân nhưng món quà, hơi ấm từ đất liền gửi ra đảo cũng khiến CBCS, nhất là chiến sỹ trẻ cảm thấy ấm lòng.
Vui Tết nhưng các chiến sỹ vẫn không quên nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ chính là trực gác, đảm bảo ANTT để người dân vui Tết, đón xuân trong an toàn, bình yên. Tết năm nay, Thượng sỹ Lê Trung Hiếu tiếp tục nhận nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại khu vực bắn pháo hoa - cầu tàu 914. Đây là nơi ghi dấu những mốc lịch sử quan trọng của người dân Côn Đảo từ khi thực dân Pháp bắt những tù nhân khai thác đá xây dựng cầu và kè chắn sóng. 914 người đã chết vì kiệt sức khi bị thực dân bóc lột, tra tấn. Cũng trên cầu tàu này đã chứng kiến sự hân hoan của những người tù chính trị khi Côn Đảo được giải phóng, họ được trả tự do và đón về đất liền. Giờ đây, trên cầu tàu ấy, người dân đảo nhỏ đang hân hoan ngắm pháo hoa rực trời đón giao thừa.
Một mùa xuân mới lại về trên Côn Đảo, khoảnh khắc thiêng liêng năm cũ chuyển sang năm mới, dẫu chạnh lòng nhưng gương mặt những chiến sỹ trẻ vẫn ánh lên sự rạng rỡ tràn đầy hy vọng…